Mắc ca che bóng trên đồi cà phê
'Tôi sống chết với cây cà phê xen mắc ca và sẽ còn gắn bó với hai loại cây này', anh Trịnh Quốc Kỳ, nông dân thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà chia sẻ. Giữa ngọn đồi lộng gió, những cây mắc ca đang che bóng cho hàng dãy cà phê trong cái nắng tháng 5 cao nguyên.
Cũng như hầu hết các gia đình ở xã Nam Hà, anh Trịnh Quốc Kỳ trồng cà phê là cây trồng chủ yếu. Chỉ khác với nhiều vườn trồng thuần, nhưng gần chục năm nay, vườn cà phê của anh Kỳ trồng xen mắc ca. Anh cho biết, vườn cà phê được trồng rất lâu rồi nhưng tới năm 2010, thấy có người giới thiệu về cây mắc ca, anh đã sang Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện EaKmat) mua 500 cây mắc ca giống về trồng trên diện tích gần 4 ha của gia đình. Và từ thời gian đó, cây mắc ca đã trở thành cây trồng không thể thiếu trong vườn cà phê, cho gia đình thu nhập không nhỏ.
Vốn nằm trên một quả đồi, vườn cà phê của anh Trịnh Quốc Kỳ chịu gió táp suốt ngày đêm. Anh cho biết, không có cây che bóng, nếu đúng đợt cây đang ra bông hoặc đậu trái non thì ảnh hưởng rất nặng. Trồng mắc ca, cây chắn gió, tạo bóng nên cà phê sống ở tầng dưới yên ổn hẳn, gió mạnh cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện giờ, vườn cà phê của anh có khung cảnh thật tự nhiên với những cây mắc ca cao, to tạo thành tầng trên, tạo bóng mát cho tầng dưới. Có cây che bóng, vườn cà phê bớt cỏ, bớt khô hạn, nhiệt độ mát hơn so với những vườn trồng thuần cà phê. Bởi vậy, dù cà phê trồng đã lâu, gia đình đang chọn những cây già, ít trái để đốn phục hồi cải tạo nhưng năng suất vẫn đạt 5 tấn/ha, một năng suất không tệ với cây cà phê.
Không chỉ có tác dụng che nắng chắn gió, mắc ca còn mang lại cho gia đình thu nhập không nhỏ. Anh Kỳ cho biết: “Vụ cà phê là vào cuối năm, mắc ca thu hoạch từ tháng 3 tới tháng 6 nên công cán rất thoải mái, nhà tôi hai vợ chồng tự làm, không cần công ngoài. Riêng vụ năm nay, 400 cây chúng tôi đang thu được 1,7 tấn hạt mắc ca với giá trung bình 90 ngàn đồng/kg. Một năm riêng tiền hạt mắc ca thu tầm 170 triệu đồng”. Gia đình anh Kỳ đã đốn bỏ hoàn toàn, trồng mới gần 1,5 ha cà phê giống mới và trên diện tích cà phê mới trồng này, anh tiếp tục trồng xen mắc ca. Anh chia sẻ: “Trồng mắc ca lợi ích rõ ràng, vừa tốt cà phê, vừa có thêm thu nhập, công chăm sóc rất ít. Quan trọng là giống phải chuẩn vì giống không chuẩn trái ít hoặc rất nhỏ, mất công trồng rồi chặt. Giống hiện tại nhà tôi lấy của Công ty Him Lam”.
Trả lời câu hỏi tại sao trồng xen cây mắc ca mà không phải là cây trồng khác cho thu nhập cao hơn như bơ hay sầu riêng, anh Trịnh Quốc Kỳ chia sẻ, cây mắc ca là loại cây cực kỳ dễ trồng, gần như không phải chăm sóc. Anh cho biết, cây không sâu bệnh, ít cần nước, khi chăm cà phê thì tiện tay chăm luôn mắc ca. Mùa thu hoạch lại lệch vụ với cà phê, không cần nhiều công lao động. Đặc biệt, anh lo khi trồng các loại cây ăn trái quá nhiều, nguồn cung cấp vượt nhu cầu, nông dân sẽ gặp khó khăn do áp lực phải thu hoạch đúng mùa, đúng vụ. Trong khi cây mắc ca thì việc tiêu thụ không cần lo, sau khi chế biến, đóng gói có thể để được nhiều tháng, tiêu thụ dần nên khỏi lo ế hàng, hỏng hàng. Bởi vậy, anh khẳng định sẽ gắn bó với cây mắc ca và cây cà phê chứ không phải là cây trồng xen khác.
Ông Tạ Quang Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà, huyện Lâm Hà đánh giá, hộ anh Trịnh Quốc Kỳ là nông hộ chăm chỉ, sáng tạo. Mô hình canh tác cà phê bền vững, trồng xen mắc ca trong vườn cà phê của anh Kỳ được đánh giá cao do đã tạo ra một môi trường canh tác bền vững cho cây cà phê.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201906/mac-ca-che-bong-tren-doi-ca-phe-2950536/