Nước Mỹ thực sự rất muốn nắm rõ sức mạnh kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga, nhất là sau động thái mới đây của Bộ Ngoại giao Nga, tờ báo Trung Quốc Sohu đưa ra nhận xét này trong một bài viết đăng tải mới đây.
Như đã biết, vừa qua Nga đã thông báo về việc đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), điều này khiến giới chức Mỹ cảm thấy rất bất an.
Theo các điều khoản của New START, cả hai nước sẽ thường xuyên báo cáo số lượng đầu đạn hạt nhân đã triển khai, nhưng theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, thỏa thuận này sẽ không còn được Moskva thực hiện.
Các nhà phân tích của tờ Sohu viết: “Điều này khiến các quan chức Mỹ cảm thấy vô cùng lo ngại và họ bắt đầu gây áp lực buộc Tổng thống Vladimir Putin quay trở lại thực thi hiệp ước".
Cụ thể, Washington đã nhiều lần cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng bước đi trên cho thấy không có tác dụng. Sau đó Mỹ quyết định hành động khác, khi bất ngờ công bố dữ liệu về số lượng đầu đạn hạt nhân của mình.
Lầu Năm Góc cho biết tính đến ngày 1/3/2023, Mỹ có 1.419 đầu đạn hạt nhân được triển khai và 800 phương tiện mang vũ khí hạt nhân. Sau khi thực hiện hành động này, chính quyền Mỹ cho biết họ đang chờ đợi một bước đi tương tự từ Moskva.
Trước diễn biến trên, tờ Sohu đưa ra nhận định: “Hành động này của Mỹ giống như một màn dàn dựng hơn là thiện chí. Đương nhiên Nga không rơi vào mưu đồ của Mỹ và không cho phép toan tính của Washington thành công”.
Công bố của Lầu Năm Góc ngay lập tức nhận được phản hồi từ Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga - ông Sergei Ryabkov cho biết nước này sẽ không công bố thông tin về số lượng vũ khí hạt nhân của mình theo Hiệp ước New START.
Đồng thời Thứ trưởng Ryabkov còn nói thêm rằng Moskva đã làm quen với dữ liệu mà Washington vừa cung cấp cho họ, và thông tin nói trên không có gì thực sự đặc biệt.
Các nhà phân tích của phẩm tiếng Trung nhận xét thêm: “Việc Liên bang Nga từ chối tiết lộ dữ liệu về số lượng vũ khí hạt nhân đã mang lại cho Moskva một vài lợi thế nhất định".
"Điều này khiến Mỹ phải cảm thấy ghen tị với sức mạnh hạt nhân của Nga, bởi vì giờ đây Washington sẽ không dám hành động hấp tấp. Như vậy Nga đã nắm trong tay một con át chủ bài, cho phép nước này kiềm chế Mỹ hiệu quả hơn”.
Giới chuyên gia cho rằng bằng cách giữ bí mật về quy mô kho vũ khí hạt nhân, Moskva đã thiết lập được đòn bẩy độc nhất đối với Washington. Một lợi thế nữa đối với Nga là Mỹ đã công bố dữ liệu về số lượng đầu đạn hạt nhân của mình.
Đương nhiên các nhà chức trách Mỹ có thể cố tình cung cấp thông tin sai lệch, nhưng ngay cả trong trường hợp này, quyền chủ động răn đe hạt nhân vẫn nằm hoàn toàn trong tay Nga.
“Trước tình hình trên, Nga chỉ cần phản ứng với những thay đổi đã rõ ràng và có thể lặng lẽ quan sát hành động của Mỹ nhằm đưa ra phản ứng thích hợp”, tờ Sohu kết luận.