Mắc Covid-19 hai lần là quá đủ

Đó là một trong những chia sẻ chất chứa nhiều cảm xúc của người tái nhiễm nCoV ở Australia trong bối cảnh Omicron đang khiến những ca mắc bệnh lần hai trở nên phổ biến.

Trong khi bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 ít nhiều cảm thấy tự an ủi về khả năng được miễn dịch, các chuyên gia cho biết sự xuất hiện của Omicron đang làm gia tăng sự tái nhiễm, theo Guardian.

Khi Peter Coleman tự xét nghiệm nhanh chỉ vài tuần sau khi khỏi bệnh Covid-19, ông chỉ nghĩ là “test cho vui”.

Người đàn ông ở Melbourne cùng chồng từng xét nghiệm dương tính với nCoV (lần đầu tiên) hôm 10/1 sau kỳ nghỉ lễ chứng kiến sự gia tăng đột biến ca nhiễm ở phần lớn đất nước Australia.

“Tôi cảm thấy không khỏe nhưng không nghĩ mình lại dương tính. Tôi xét nghiệm chỉ để kiểm tra cho chắc chắn”, Peter nói.

“Lúc xét nghiệm tôi đang nói chuyện qua điện thoại với bạn, và khi nhìn vào kết quả… Tôi nghĩ chuyện gì đang xảy vậy?”.

 Peter Coleman cách ly tại nhà ở Melbourne trong lần thứ 2 mắc Covid-19. Ảnh: Guardian.

Peter Coleman cách ly tại nhà ở Melbourne trong lần thứ 2 mắc Covid-19. Ảnh: Guardian.

Peter nằm trong số những người Australia thiếu may mắn tái nhiễm nCoV sau khi hồi phục.

Chính phủ liên bang hiện chưa có dữ liệu về các ca tái mắc Covid-19. Nhưng người phát ngôn từ Bộ Y tế cho biết sự xuất hiện của Omicron đã làm tăng nguy cơ tái nhiễm “đáng kể” so với các biến chủng trước đó.

Người phát ngôn cho biết: “Ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy ít có sự trung hòa chéo với Omicron”.

“Liệu nhiễm Omicron có giúp người bệnh tránh khỏi tái nhiễm biến chủng này lần nữa hay không vẫn chưa được làm rõ. Ngoài ra, vẫn còn chưa chắc chắn về độ bền của khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh với sự xuất hiện của Omicron”.

Khi Peter mắc Covid-19 lần đầu tiên, ông đã gặp phải triệu chứng sương mù não và chịu tác động nặng nề đến nỗi quên cách gọi đồ ăn trên ứng dụng. Ông còn gặp phải triệu chứng đau cơ và mệt mỏi. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, các triệu chứng rất khác - giống với cảm lạnh thông thường hoặc cúm.

Trong suốt thời gian qua, Peter vẫn làm việc tại nhà. Ông “không biết” đã tái nhiễm ở đâu. Lần nhiễm thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 30 ngày sau kết quả dương tính thứ nhất. Ông đã tiêm phòng đầy đủ.

Peter cho rằng ở lần nhiễm thứ hai này, ông đã gặp biến chủng Omicron nhưng không có cách nào để biết chắc chắn.

Người đàn ông chia sẻ các triệu chứng lần này tương đối nhẹ. Khi một y tá gọi điện để kiểm tra và hỏi han ông có cảm thấy chán nản không, Peter đã trả lời là không.

Ít khả năng nhiễm hai lần cùng một biến chủng

Mạng lưới Bệnh Truyền nhiễm Australia “đang theo dõi các bằng chứng về tái nhiễm và liệu định nghĩa về tái nhiễm trong hướng dẫn sức khỏe cộng đồng quốc gia có cần được xem xét lại hay không”.

Nếu một người tái phơi nhiễm với virus trong 28 ngày sau khi hết cách ly, họ sẽ được miễn cách ly thêm - theo quy định mới nhất ở Australia được cập nhật ngày 2/2.

 Hình ảnh scan não của các bệnh nhân Covid-19 trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford. Ảnh: New York Times.

Hình ảnh scan não của các bệnh nhân Covid-19 trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford. Ảnh: New York Times.

Tiến sĩ Deborah Cromer, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại chương trình phân tích lây nhiễm của Viện Kirby, cho biết khả năng mắc Covid-19 hai lần phụ thuộc một phần vào biến chủng và thời gian kể từ khi tiêm chủng.

Trong khi hai liều vaccine mRNA cung cấp khả năng bảo vệ, ngăn nhiễm bệnh có triệu chứng lên đến 80% hoặc 90% với biến chủng Delta, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 70% đối với với Omicron. Ở vaccine AstraZeneca, tỷ lệ này với Omicron chỉ còn 40-50%.

Tuy nhiên, một khi tiêm mũi tăng cường, khả năng bảo vệ sẽ tăng lên 70-80%.

Tiến sĩ Deborah nói: “Ngay từ đầu, khi dòng ban đầu lây truyền, chúng tôi đã đặt câu hỏi về khả năng miễn dịch của người nhiễm bệnh”.

“Các thử nghiệm cho thấy những người đã tiêm vaccine Pfizer (2 liều chính) có [khả năng miễn dịch] cao gấp đôi so với những người khỏi bệnh. Nhưng tất cả vaccine chủ yếu cung cấp khả năng miễn dịch nhằm vào chủng ban đầu”.

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng một khi ai đó đã nhiễm bệnh, họ sẽ có khả năng miễn dịch đặc hiệu chống lại biến chủng đó, cũng như một số miễn dịch chung chống lại SARS-CoV-2.

“Ít ai có khả năng nhiễm lại cùng một biến chủng nhưng chắc chắn không có sự bảo vệ hoàn toàn”, tiến sĩ Deborah cho hay. “Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn. Sự bảo vệ sẽ gia tăng, giống như những gì chúng ta thấy với bệnh cúm ngày nay”.

 Sự nổi lên của biến chủng Omicron khiến các ca tái nhiễm trở nên phổ biến hơn. Ảnh: New York Times.

Sự nổi lên của biến chủng Omicron khiến các ca tái nhiễm trở nên phổ biến hơn. Ảnh: New York Times.

Dù nhấn mạnh một số điểm khác biệt của Covid-19 so với bệnh cúm, tiến sĩ Deborah nói rằng có những điểm tương đồng, vì có thể nhiễm cả hai loại virus mà không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ, và việc tiếp xúc nhiều lần sẽ khuyến khích cơ thể tạo khả năng miễn dịch tốt”.

“Có thể Covid-19 cuối cùng sẽ đến ngày đó”, bà Deborah nói.

“Mỗi lần nhiễm SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch của người bệnh có thể sẽ được tăng cường phần nào, có nghĩa là lần tiếp theo bạn sẽ vẫn còn một số khả năng miễn dịch”, vị tiến sĩ nhận định.

Điều đáng sợ nhất

Clancy Read lần đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus trong làn sóng thứ hai của Fiji vào tháng 8/2021.

Sinh sống ở Suva, Clancy và gia đình đã gần như không phải bận tâm về Covid-19 cho đến tháng 4/2021.

“Chúng tôi tiếp xúc gần (với người nhiễm) và tất cả được xét nghiệm. Con gái tôi - lúc đó mới 2 tuổi - là người duy nhất trong nhà có kết quả dương tính”, Clancy kể lại.

“Chúng tôi đang chuyển nhà… và mọi thứ như thảm họa. Chúng tôi phải tự cách ly và ngay khi tới nhà mới, tôi đổ bệnh”.

“Tôi đau ở lồng ngực, khó thở. Tôi nằm đó vào nửa đêm và nghĩ rằng: “Ôi Chúa ơi, mọi thứ tới mức này phải chăng là lời nhắn nhủ tôi cần đến bệnh viện?”.

Clancy nghĩ rằng nếu đang ở Australia, cô lẽ ra đã nhập viện - nhưng cô sợ bị chia cắt với chồng và con gái. Cô lo sợ phải chịu đựng bệnh nặng hơn một mình.

“Điều khó khăn nhất là không biết bệnh sẽ trở nên tồi tệ tới mức nào. Các vấn đề tâm lý cũng tồi tệ không kém triệu chứng về thể chất", cô nói.

Sau nhiều tháng hồi phục chậm chạp, kỳ Giáng sinh tới và Clancy lại nhận kết quả dương tính.

“Chúng tôi đều bị bệnh, và tôi cho rằng đó là Omicron”, Clancy nói.

“Tôi nằm bẹp dí trong hai tuần, nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc tôi đã không rơi nước mắt trong đêm khi nghĩ rằng: “Ôi trời, mình sắp chết rồi sao?”.

Tiến sĩ Deborah cho rằng khi đại dịch tiếp tục, sẽ xảy ra khả năng tái nhiễm với virus.

“Chúng tôi đã ghi nhận những người bị tái nhiễm ở Australia… Theo quan điểm lý thuyết, người bệnh có được mức miễn dịch nhất định khi mắc bệnh và việc tiêm chủng cũng mang lại sự miễn dịch. Cả hai đều sẽ tăng cường khả năng miễn dịch”, vị chuyên gia nói.

“Tôi rất bực những người nói rằng Covid-19 giống như cảm nhẹ hay cúm”

Eleanor vẫn đang khổ sở vì Covid-19. Cô mắc bệnh lần đầu tiên vào đầu tháng một trong đợt lây nhiễm Omicron, sau khi bạn cùng nhà dương tính.

Cô có hàng loạt triệu chứng: Đau đầu, tiêu chảy, khó thở, mất ngủ. Tình trạng có phần cải thiện trong vài ngày. Nhưng rồi người bạn cùng nhà thứ hai của Eleanor trở về vài tuần sau đó. Người này dương tính với Covid-19. Và lần này Eleanor có các triệu chứng khác.

“Sốt, ớn lạnh, ho, sưng hạch”, cô liệt kê.

Eleanor thường ngày vốn rất năng động. Cô hay leo núi cũng như tập luyện thường xuyên với huấn luyện viên cá nhân.

Cô nói: “Bây giờ tôi khó thở, tim đập loạn xạ”.

“Tôi thực sự khổ sở mỗi khi tập thể dục và rất dễ bị hụt hơi… và tôi bị ho liên tục khi cười”.

“Tôi rất bực những người nói rằng Covid-19 giống như cảm nhẹ hay cúm. Tôi vốn là một người 33 tuổi khỏe mạnh, vậy mà tôi đã bị khó thở cả tháng nay. Mắc Covid-19 hai lần là quá đủ”.

Bảo Châu - Sơn Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mac-covid-19-hai-lan-la-qua-du-post1297487.html