Mặc đầu tư dần cạn kiệt, Mỹ vẫn 'tung đòn' mạnh vào Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ 'phản công'?

Những hạn chế mới đối với đầu tư của Mỹ vào công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm sự sụt giảm trong các thỏa thuận giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và 'giáng một đòn mạnh' vào các công ty khởi nghiệp Bắc Kinh.

Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc. (Nguồn: Sputnik)

Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc. (Nguồn: Sputnik)

Các nhà kinh tế và phân tích đã nhận định như vậy trên trang CNN, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác vào ngày 9/8.

Sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của nước này vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Các quy tắc được đề xuất phải tuân theo giai đoạn nhận xét công khai trong 45 ngày, sau đó, được chuyển thành dự thảo quy định, dự kiến có hiệu lực vào năm tới. Lệnh hành pháp áp dụng cho các khoản đầu tư vào Hong Kong (Trung Quốc) và Macao, cũng như Trung Quốc đại lục.

Sắc lệnh của ông Biden là động thái mới nhất trong loạt hành động của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với công nghệ tiên tiến.

Có thể tác động ngược?

DCM - một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, quản lý các khoản đầu tư trị giá hơn 4 tỷ USD - cho biết, sắc lệnh mới nhất của Mỹ sẽ thay đổi “cách thức và cấu trúc” đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Đại diện công ty trên tiết lộ: “Chúng tôi đang tích cực tham khảo ý kiến của các cố vấn pháp lý và hiện, công ty không đầu tư vào các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng như chip hoặc điện toán lượng tử. Các khoản đầu tư tiềm năng của chúng tôi vào AI có thể không bị cấm, nhưng công ty tiếp tục thực hiện các biện pháp cẩn trọng cần thiết để tuân thủ lệnh hành pháp".

DCM là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất của Mỹ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Doanh nghiệp này được biết đến với việc hỗ trợ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo các nhà kinh tế, hạn chế mới của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho các giao dịch xuyên biên giới trong tương lai.

Bà Edith Yeung, đối tác chung của Race Capital, một công ty ở Thung lũng Silicon chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu nhận định: “Đây là một 'đòn giáng mạnh' không chỉ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc mà còn đối với ngành đầu tư mạo hiểm. Sắc lệnh mới gợi ý rằng Washington đang cố gắng tách rời vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ và Trung Quốc".

Quan chức Mỹ công bố sắc lệnh mới, liên tục nhấn mạnh mục tiêu của họ là ngăn dòng vốn của nước này hỗ trợ quân đội Trung Quốc và không làm tổn hại đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

CNN dẫn lời một quan chức Washington cho rằng: "Đây là hành động an ninh quốc gia, không phải hành động kinh tế. Chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của dòng vốn đầu tư xuyên biên giới đối với sức sống kinh tế của chúng tôi".

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ tiết lộ, mục tiêu chính của các biện pháp mới là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với “những tài sản vô hình” - như bí quyết kỹ thuật hoặc mối quan hệ với các chuyên gia - thường đi kèm với đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc các công ty cổ phần tư nhân.

Còn theo các nhà đầu tư, thiệt hại đối với các doanh nghiệp Bắc Kinh là không thể tránh khỏi, với khả năng gây tác động ngược trở lại đối với các thị trường Mỹ.

Bà Yeung nói rằng: "Việc mất quyền truy cập vào mạng lưới chuyên gia và kiến thức sẽ “khiến các công ty khởi nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc đổi mới và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Lệnh hành pháp sẽ có 'tác động ớn lạnh' đối với những người sáng lập công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh. Điều này sẽ làm tổn thương thị trường vốn của Washington trong dài hạn".

Đầu tư dần cạn kiệt

Theo Kyle Stanford và Kaidi Gao, hai nhà phân tích tại Công ty PitchBook, căng thẳng giữa các quốc gia đã gây áp lực đầu tư cho các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc và hoạt động tổng thể đã suy yếu trong vài quý gần đây.

“Đây là một 'đòn giáng mạnh' không chỉ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc mà còn đối với ngành đầu tư mạo hiểm. Sắc lệnh mới gợi ý rằng Washington đang cố gắng tách rời vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ và Trung Quốc" - bà Edith Yeung, đối tác chung của Race Capital nhận định về sắc lệnh mới của Mỹ.

Đầu tư vốn mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm mạnh khoảng 80% trong năm qua, theo dữ liệu của PitchBook.

Sự sụt giảm thậm chí còn rõ rệt hơn trong lĩnh vực sản xuất chip. Số liệu nghiên cứu của PitchBook cho thấy, chỉ có 3 giao dịch của Trung Quốc liên quan đến một nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ được thực hiện trong lĩnh vực này trong quý II/2023, so với 10 giao dịch cùng kỳ năm ngoái. Số tiền huy động được đã giảm xuống dưới 100 triệu USD, từ mức 853,6 triệu USD.

CNN nhận định, các nhà đầu tư có thể đã hoảng sợ bởi căng thẳng chính trị gia tăng, các biện pháp kiềm chế thương mại và các hạn chế đầu tư đã có từ lâu.

Hai nhà phân tích Stanford và Gao nói rằng, sắc lệnh mà Tổng thống Biden “đến với một chút bất ngờ”, đặc biệt là sau khi các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi sự chú ý đến vấn đề tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm. "Sắc lệnh sẽ là một trở ngại khác trong đầu tư vào thị trường tư nhân Mỹ-Trung”, hai nhà phân tích này khẳng định.

Trung Quốc sẽ làm gì?

Về phía Trung Quốc, nước này cáo buộc hành động của Mỹ được đưa ra nhằm cản trở tiến bộ công nghệ.

Ngày 10/8, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sắc lệnh mà ông Biden vừa ký, nói rằng sắc lệnh này “đi trệch khỏi những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng và kinh tế thị trường mà Mỹ luôn luôn ủng hộ” và rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả.

Nhiều chuyên gia lo ngại, hành động của Mỹ sẽ khiến cho mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, với những hành động đáp trả qua lại, giống như trong lĩnh vực chip khiến cả hai bên thiệt hại.

Trung Quốc chiếm đến 36% doanh số bán chip của công ty Mỹ. Trước những căng thẳng của hai bên, nhiều đồn đoán, các hãng công nghệ của Trung Quốc đang đặt mua số lượng lớn chip từ tập đoàn Nvidia của Mỹ lên đến 5 tỷ USD.

GS. Chang, nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Harvard nêu quan điểm: "Trong khi các chuyến thăm và đàm phán liên tiếp được thúc đẩy nhằm ổn định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, sắc lệnh hành pháp có thể lại thách thức triển vọng quan hệ ổn định tại thời điểm này".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mac-dau-tu-dan-can-kiet-my-van-tung-don-manh-vao-trung-quoc-bac-kinh-se-phan-cong-237974.html