Mặc đồ hiệu có khiến bạn hạnh phúc?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia từ trường Harvard Business, việc mặc đồ hiệu chưa chắc giúp người tiêu dùng thoải mái, đôi khi khiến họ thấy không phải là chính mình.
Zing trích dịch bài đăng trên Daily Mail và The Guardian về những nỗi khổ khi mặc đồ hiệu, kèm theo đó là nghiên cứu đồ đắt tiền không phải lúc nào cũng giúp người tiêu dùng tự tin và hạnh phúc thật sự.
"Đồ Gucci trị giá 1.700 bảng Anh (khoảng 2.200 USD) có thực sự làm bạn vui vẻ?", nhà báo, diễn viên hài Simon Thompson đặt câu hỏi với độc giả.
Để chứng minh điều đó, anh đã thử nghiệm bằng cách mặc váy 2.200 USD của Gucci xuống phố. Đáng nói, đây là thiết kế cho nam nằm trong BST mới nhất của nhà mốt Italy.
"Tôi không thoải mái", Thompson khẳng định.
Những bộ đồ phá cách đến từ các thương hiệu lớn đều có giá không hề rẻ. Có người sẵn sàng bỏ ra vài nghìn đến vài chục nghìn USD để sở hữu đồ hiệu.
Theo The Guardian, sự thời trang, phá cách, "be unique" (tạm dịch: duy nhất) là tâm lý chung của những người diện đồ hiệu. Song, đằng sau những lần diện trang phục đắt đỏ, không ít người tỏ ra không thoải mái.
Nhà báo Anh Simon Thompson là một ví dụ.
Đồ hiệu có thực sự thoải mái?
Gần đây, thương hiệu Gucci gây chú ý khi ra mắt chiếc váy cotton màu cam họa tiết caro, đính khuy ngọc trai cùng chiếc nơ thắt eo nữ tính. Thiết kế cũng tạo cổ áo lấy cảm hứng từ Peter Pan với tổng thể mang hơi hướm thập niên 1990.
Thoạt nhìn, đây là thiết kế nữ. Song, theo lời nhà mốt Italy, trang phục nằm trong BST Thu Đông nam mới nhất, được tung ra kèm thông điệp "chống lại định kiến rập khuôn cho nam giới".
Mẫu thiết kế có giá 1.700 bảng (khoảng 2.200 USD), con số không nhỏ để phe mày râu sẵn sàng bỏ tiền ra để "chống lại định kiến về nam giới", kể cả những người theo đuổi phong cách unisex.
Song, Simon Thompson đã thử nghiệm mặc chiếc váy này ra đường, để xem cảm nhận của người đi đường cũng như cảm giác của chính mình.
Diễn viên hài 32 tuổi phối váy cam với quần jeans cùng giày thể thao. Với ngoại hình nam tính, mẫu thiết kế tỏ ra khá kỳ quặc, không hợp với Thompson. Anh cho biết đã lấy hết can đảm dạo phố London, từ quán cà phê đến siêu thị, kết quả thu về là nhiều ánh mắt kỳ dị, kèm theo đó là nhiều lời bàn tán, thậm chí chụp ảnh.
Vì Simon Thompson muốn thử nghiệm, anh đã bỏ qua những lời bàn tán, yếu tố bên ngoài để không ảnh hưởng đến cảm nhận. Song, Simon tự nhận thấy bộ đồ không hề thích hợp cho nam giới, nhất là trong cuộc sống đời thường.
"Nam giới có một số hoạt động đặc trưng mà việc mặc váy hoàn toàn không phù hợp. Tôi cảm thấy không thoải mái, nhất là mỗi khi vận động", Thompson nói.
Nhà báo Anh khẳng định mình là người có đầu óc thoải mái, tiến bộ, song bộ trang phục không khiến anh thoải mái.
"Câu hỏi của tôi với Gucci là liệu thương hiệu đang cố gắng thay đổi định kiến về việc ăn mặc cho nam giới hay chỉ muốn xem phản ứng của người dân về việc đàn ông mặc váy phụ nữ? Tôi nghiêng về vế sau hơn", Thompson nói.
Từ việc thử nghiệm mặc trang phục đắt đỏ ra đường, Thompson rút ra kết luận không phải đồ đắt tiền có thể giúp bạn tự tin, việc "be unique" trong mắt người khác không phải lúc nào cũng mang lại trải nghiệm thú vị.
Từ tâm lý sở hữu đồ hiệu
The Guardian từng có bài viết nói về việc trải nghiệm mặc đồ hiệu của người tiêu dùng.
Điều gì xảy ra khi diện giày của Bottega hay chiếc túi Prada đắt đỏ? Câu trả lời được nhiều người đưa ra là nhận thấy giá trị bản thân tăng lên khi diện đồ hiệu, hoặc chỉ đơn giản vì đó là vì đam mê.
Theo nghiên cứu của Đại học Boston và trường Harvard Business, trải nghiệm trên hoàn toàn khác xa sự thật. Theo đó, việc mua đồ xa xỉ có thể khiến người mua thấy bản thân tiếc nuối, hay nói đúng hơn là cảm giác không chân thực.
"Tiêu dùng xa xỉ là con dao hai lưỡi", báo cáo của The Guardian nói.
Nghiên cứu của Harvard Business lại khẳng định các thương hiệu cao cấp thực hiện hoàn hảo việc tiếp thị lối sống hưởng thụ, hoàn hảo đến khách hàng. Người tiêu dùng không chỉ mua đồ xa xỉ, mà còn mua cảm giác xa hoa, hưởng thụ.
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng phải đấu tranh để trung hòa giữa con người thật và vai trò mà xã hội gán cho hoặc chính họ muốn hướng đến.
Nói cách khác, khách hàng dễ rơi vào cảm giác xung đột giữa việc phản ánh chính mình và khao khát xây dựng hình tượng trong tương lai. Các nhà nghiên cứu của Harvard Business gọi đây là "hội chứng mạo danh" từ tiêu dùng xa xỉ.
Để chứng minh cho luận điểm của mình, các chuyên gia tiến hành 7 nghiên cứu, từ việc nghiên cứu xã hội học đến chứng minh thực địa. Họ đến nhiều nơi như Metropolitan Opera, Martha's Vineyard, các khu mua sắm xa xỉ, trò chuyện với người có thu nhập cao và có nhiều khả năng sở hữu đồ hiệu.
Tại Martha's Vineyard, nhóm nghiên cứu đưa ra câu hỏi liệu có gì khác biệt giữa chiếc khăn đi biển Hermes trị giá 250 USD với đồ Zara 25 USD. Câu trả lời là họ cảm thấy mình không chân thực, thoải mái lắm dù diện đồ hiệu.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định không đưa ra phán đoán cá nhân, diễn giải theo suy đoán mà dựa vào khảo sát thực tế. Họ cũng thừa nhận việc này đôi lúc có những sai số, khó diễn đạt.
Nhưng có khiến bạn dễ chịu, hạnh phúc?
Song, nghiên cứu của Harvard Business có kết quả khá nhất quán, đó là việc sở hữu đồ hiệu không mang lại nhiều cảm giác tích cực.
"Trái với sự hiểu biết thông thường về thời trang cao cấp, việc mua đồ cao cấp thường đẩy người ta vào khủng hoảng hơn là giúp họ hạnh phúc", nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Thậm chí, ngay cả những người hoàn toàn có khả năng mua nhiều đồ hiệu, họ cũng cảm thấy thiếu thoải mái khi mang đồ đắt tiền đi khắp nơi. Một là tâm lý sợ bị nói dùng hàng giả, hai là phải bảo quản quá mức.
"Việc mặc áo hoodie của Balenciaga hay áo khoác của Loewe giúp bạn gây ấn tượng với người yêu thời trang. Tuy nhiên, việc bỏ ra hơn 725 bảng Anh (gần 1.000 USD) để sợ việc bị dính sốt mì Ý hay vô tình làm dơ chúng lại không đáng", Nailya Ordabayeva, phó Giáo sư ĐH Boston nói với The Guardian.
Để nghiên cứu không bị đánh giá sáo rỗng, một chiều, các chuyên gia tìm đến nhóm người thấy hạnh phúc với việc sở hữu đồ hiệu. Thông qua các dữ liệu y học, chuyên gia khẳng định họ thuộc nhóm người có "tâm lý mạn tính" so với số đông.
Theo The Guardian, đây là thuật ngữ chỉ những người tin rằng họ đặc biệt và nên nhận nhiều lời khen hơn từ người khác. Dựa trên các đánh giá tâm lý, đây là nhóm người thường nói "Có" với các câu hỏi như "Bạn nghĩ mình nên tận hưởng nhiều thứ không?" hay "Bạn có nghĩ mình xứng đáng nhận những điều tuyệt vời hơn so với hiện tại không?".
Trong số nhóm "tâm lý mạn tính", khoảng 1/3 người cho thấy họ có mức độ thỏa mãn nhu cầu được chú ý nhiều hơn là mức độ thoải mái với các sản phẩm xa xỉ.
Nghiên cứu cũng khẳng định không tâng bốc hay cố tình hạ bệ người thường xuyên sắm đồ hiệu. Đây chỉ là sự phản ánh về tình trạng sử dụng đồ từ các thương hiệu xa xỉ.
"Quần áo và phụ kiện xa xỉ nhiều khi khiến bạn thấy không xứng với chúng, đôi lúc bạn muốn sở hữu chúng chỉ vì người khác có nó. Nói cách khác, bạn mua đồ hiệu đơn giản vì bạn thấy nó là đẹp, là duy nhất", phó Giáo sư Nailya Ordabayeva nói.
Song, liệu đó có phải là bạn?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mac-do-hieu-co-khien-ban-hanh-phuc-post1139918.html