Mặc giãn cách, chợ online chung cư vẫn nhộn nhịp 'kẻ bán người mua', 'hốt bạc' giữa mùa dịch

Khi hàng loạt chợ truyền thống và không ít siêu thị bị hạn chế hoạt động, thậm chí đóng cửa do liên quan COVID-19 thì các chợ online chung cư trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tận dụng cơ hội vàng, nhiều cư dân xem đây như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng.

Rau củ, đồ ăn sẵn được "tiểu thương chợ online" rao bán với trên chợ mạng Ảnh: TL

Mua sắm online “lên ngôi” thời dịch bệnh

Hơn một tháng qua, quanh chung cư VP6 Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) không còn cảnh nhà nhà bày hàng quán kinh doanh trên vỉa hè như trước mà thay vào đó, các mặt hàng được đưa lên mạng để cư dân đặt hàng online.

Ghi nhận trong nhiều group chung cư, không khí mua sắm trở nên nhộn nhịp với đa dạng các loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm thiết yếu, nông sản tới thực phẩm tươi sống. Nhóm chợ nội bộ này được hình thành từ chính những dân buôn sống ngay tại chính chung cư.

Chỉ cần ở nhà và thông qua chiếc điện thoại, người dân ở đây có thể đặt mua các loại hàng hóa thiết yếu từ con cá, lá rau, đến đồ các loại hoa quả nhập khẩu. Điều này cũng đang dần thay đổi thói quen mua sắm đối với những người tiêu dùng trong thời kỳ Hà Nội đang tăng cường giãn cách xã hội.

Vừa mua được một kg tôm tươi rói với giá 200.000 đồng, chị Phương (cư dân chung cư) cho biết: “Từ lúc biết chợ trực tuyến của chung cư, tôi không còn lo lắng khi nhà hết thức ăn hay phải xếp hàng siêu thị hàng giờ liền mà vẫn không mua được thực phẩm”.

Với lợi thế giá cả luôn bình ổn, lượng khách ổn định, chất lượng đảm bảo, miễn phí ship hàng, bởi vậy, khi các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng các "chợ online" ở khu chung cư vẫn hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp.

Trong khi không ít tiểu thương lâm vào cảnh lao đao khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì gần 2 tháng nay, doanh thu từ cửa hàng online của chị Huyền (ở Thanh Xuân, Hà Nội) tăng vọt.

Nắm bắt tâm lý khách hàng ngại ra ngoài mua sắm khi dịch bệnh phức tạp, chị Huyền chủ động cung ứng thực phẩm phục vụ cư dân cùng chung cư nơi mình sinh sống.

Mặt hàng chị Huyền bán khá đa dạng, từ cá, gà, bò đến đồ ăn vặt như chè, bánh bao, bánh mỳ cũng đắt khách hơn hẳn ngày thường.

Chị Huyền chia sẻ: “Bán hàng online ở chung cư khá dễ vì lượng khách hàng đông, nhu cầu lớn lại không mất chi phí thuê mặt bằng, nhân viên...

Các đơn hàng được vận chuyển miễn phí đến tận cửa nên mọi người đều hài lòng. Chỉ cần chọn nguồn hàng uy tín, chất lượng mình sẽ “níu chân” được người tiêu dùng”.

Tương tự, những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Thu Hà (cư dân khu chung cư HH Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bán hàng mỏi tay. Theo chị Hà, những mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc từ quê “hút” người tiêu dùng hơn cả.

“Bây giờ gia đình nào cũng ăn 3 bữa ở nhà nên lượng thực phẩm tiêu thụ cũng nhiều hơn hẳn. Nhiều hôm chỉ 9h sáng mình đã không còn gì để bán”, chị Thu Hà cho biết.

Khách sinh sống tại chung cư đặt mua hàng trực tuyến. Ảnh minh họa

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Bán đồ ăn ở "chợ online” chung cư Hinode city (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Nga cho biết, 1 tháng trở lại đây, các loại đồ ăn vặt và thức ăn hàng ngày đắt khách hơn hẳn. Doanh thu của chị tăng gấp 3-4 lần so với trước tết, có ngày lên tới cả chục triệu đồng.

"Bán hàng ở chợ online trong khu chung cư khá dễ bán, lại không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá rẻ hơn bên ngoài khoảng 20%, thêm vào đó, mình freeship cho tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên nên mọi người đặt mua khá đông. Vì bán chủ yếu cho cư dân nên mình chỉ lấy hàng uy tín, khách đặt một lần là sẽ mua tiếp các đợt sau", chị Nga nói.

Theo chị Nga, đồ ăn vặt ngoài các loại chè, bánh ngọt, dimsum, thì các loại thịt bò khô, xúc xích, gà ủ muối… cũng khá đắt khách. Gần đây, chị còn bán thêm một số thực phẩm quê như gà, vịt, thịt lợn sạch, rau củ… nên có ngày mỗi khách đặt mua cả triệu đồng.

Tương tự, mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Huyền ở chung cư Gamuda Gardens quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết, các đơn hàng liên quan đến thịt gà, hải sản đông lạnh, rau củ quả có nguồn gốc từ quê đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đó. Theo chị, do toàn là hàng sạch, giá lại phải chăng và quan trọng là ship tận nhà cho khách nên hàng bán rất chạy trong mùa dịch.

"Giờ nhà nào cũng ăn uống cả ba bữa ở nhà nên lượng hàng tôi bán được cũng nhiều hơn hẳn so với trước đây. Mình phải thuê thêm 2-3 em nhân viên chuyên ship hàng vì số lượng đơn mua tăng vọt ", chị Huyền cho hay.

Đặc biệt, ngoài bán thực phẩm của nhà, thấy sức mua của cư dân chung cư lớn, nên chị Huyền còn nhập thêm một số thực phẩm khác về bán theo set, khách mua về chỉ việc chế biến là có thể ăn ngay như ở nhà hàng mà giá lại rất phải chăng nên rất hút khách. “Có ngày mình bán được đến nửa tạ thịt bò”, chị Huyền vui vẻ.

Anh Nam, thành viên quản trị nhóm mua bán có hơn 4.000 thành viên tại một chung cư ở quận Đống Đa cho biết, có ngày, anh duyệt gần 2.000 bài đăng bán hàng, hỏi mua bán các loại... Thay vì chỉ bán “đồ nhà làm” như trước, người bán bây giờ chủ yếu cung cấp thực phẩm tươi sống thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, trứng… để khách “tự tay vào bếp”.

Nhiều người chuyển sang bán hàng online như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

“Giá cả được niêm yết rõ ràng, đúng giá. Nếu phát hiện thực phẩm tăng giá bất thường, cư dân phản ảnh chất lượng thì chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu đúng sự thật sẽ cảnh cáo trường hợp tái phạm sẽ khóa tài khoản, không cho tiếp tục kinh doanh” – anh Nam khẳng định.

Tiện dụng nhưng vẫn cần cẩn trọng

Nhìn chung, phần đông người mua đều là cư dân quen biết, nên người bán hàng phần lớn đều giữ uy tín, đảm bảo chất lượng. Chỉ cần một vài phản hồi người bán chụp giựt, lừa đảo, thì cả khu chung cư đều biết, tác động trực tiếp đến công việc kinh doanh của người bán.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những người lợi dụng việc dịch bệnh, nên gửi hàng kém chất lượng, không đúng với mẫu mã như quảng cáo, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chị Phạm Bích Ngọc (ở Đội Cấn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, có lần vẫn mua phải bị thực phẩm ôi, hỏng, phải bỏ đi. Cũng có lần mua hoa quả bị cân thiếu, phản hồi lại người bán thì họ quanh co, đùn đẩy trách nhiệm.

“Trong lúc dịch bệnh diễn biến như hiện nay, mình vẫn lựa chọn mua sắm online nhưng mình chỉ mua ở những cửa hàng quen, có uy tín”, chị Ngọc chia sẻ.

Mua sắm online tiện lợi là thế nhưng theo các chuyên gia, do việc chạy đua kinh doanh giữa các đơn vị bán hàng để chiếm thị phần nên người tiêu dùng phải thật cẩn trọng và chọn những địa chỉ, đơn vị vận chuyển uy tín để sử dụng dịch vụ, đặc biệt khi lựa chọn thanh toán trên các nền tảng trực tuyến.

Chị Minh Trang (ở Đống Đa, Hà Nội) cũng đưa ra những lời khuyên cho người tiêu dùng. Chị cho rằng, với đồ ăn, thức uống tôi thường lựa chọn mua của những người có rõ địa chỉ, số điện thoại, sinh sống cùng khu. Bởi nếu hàng hóa có vấn đề gì chúng ta có thể đến tận nơi phản ánh, đổi trả.

Đặc biệt, theo chị bản thân mỗi người mua hàng cũng cần trang bị thông tin, kiến thức để tránh bị lừa đảo, bị người lợi dụng dịch bệnh bán hàng “lôm côm”. Quan điểm của mình là không tham rẻ, chọn người bán hàng có thông tin rõ ràng, minh bạch, địa chỉ cụ thể”, chị Trang nói.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mac-gian-cach-cho-online-chung-cu-van-nhon-nhip-ke-ban-nguoi-mua-hot-bac-giua-mua-dich-post151520.html