Mạc Hồng Quân và cầu thủ Quảng Ninh bị nợ lương: Hãy dũng cảm, làm như Đặng Văn Lâm!
Câu chuyện các cầu thủ Quảng Ninh đăng đàn về chuyện bị nợ tiền khiến cho dư luận quan tâm. Nhưng cũng phản ánh sự khác biệt rất lớn trong sự chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam...
Rất đông cầu thủ Quảng Ninh bị nợ lương, lót tay, tiền thưởng. Nếu đúng như thông tin họ đăng tải trên mạng xã hội thì câu chuyện này mang đến những nghịch lý lớn.
Đó là câu chuyện về quyền lợi của cầu thủ Việt Nam. Họ chưa có được sự ý thức chuyên nghiệp giống như các cầu thủ ở nước ngoài. Ví dụ Đặng Văn Lâm từng tuyên bố chấm dứt hợp đồng với đội bóng của Thái Lan. Văn Lâm đã thắng và được chuyển nhượng sang giải đấu số 1 của Nhật Bản.
Saostar đã từng đăng tải về chuyện một cầu thủ được phép phá hợp đồng với CLB theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).
Cụ thể, FIFA quy định (Khoản 1 điều 14bis): "Nếu đội bóng không trả lương theo đúng với cam kết cho cầu thủ trong hai tháng theo ngày được trả lương, cầu thủ đó có lý do để phá hợp đồng. Điều kiện cầu thủ phải gửi văn bản xác nhận chuyện không trả lương cho đội bóng ít nhất 15 ngày để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Có thể xem xét về thời gian áp dụng điều khoản này theo các điều khoản được ghi trong hợp đồng lao động nếu có".
Rất rõ ràng, CLB chỉ cần nợ lương trong 2 tháng theo ngày được trả thì cầu thủ có lý do phá hợp đồng sau khi có thông báo tới đội bóng ít nhất 15 ngày.
Bây giờ, nhiều cầu thủ Quảng Ninh đăng tải chuyện bị nợ đến 8 tháng. Họ có quyền áp dụng điều luật kể trên của FIFA để chấm dứt hợp đồng với CLB Quảng Ninh. Họ cũng cần gửi đơn lên VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) để sự việc được xử lý theo đúng cuộc chơi của bóng đá chuyên nghiệp.
V.League được tiếng là cuộc chơi chuyên nghiệp. Các cầu thủ Quảng Ninh nên dũng cảm để tự bảo vệ quyền lợi cho chính họ, thay vì than thở trên mạng xã hội!
Đúng hơn, Đặng Văn Lâm làm được điều này để bảo vệ quyền lợi ở Thai League. Tại sao các cầu thủ Việt Nam không làm được để bảo vệ "nồi cơm" của chính họ?