Mặc kệ trần giá, kinh tế Nga vẫn 'khỏe' nhờ doanh thu bùng nổ từ dầu
Với doanh thu bùng nổ từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn mong đợi, OPEC cho biết.
Dữ liệu của công ty tư vấn Argus Media cho thấy, hầu hết các mặt hàng nhiên liệu xuất khẩu của Nga từ các khu vực Baltic và Biển Đen hiện đang được định giá cao hơn mức trần (price cap) mà liên minh do G7 dẫn dắt áp dụng từ tháng 2 năm nay.
Liên minh gồm G7, EU và Australia đã đặt giá trần cho dầu diesel và các loại nhiên liệu khác của Nga để duy trì nguồn cung cho thị trường trong khi hạn chế doanh thu của Moscow sau khi lệnh cấm của EU đối với nhập khẩu những nhiên liệu này có hiệu lực vào ngày 5/2.
Theo lệnh cấm, các công ty có trụ sở tại các nước EU không được phép giao dịch hay cung cấp dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm cho nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga, trừ khi các sản phẩm được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần đã được liên minh do G7 dẫn đầu đồng ý.
Liên minh này đặt mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, chủ yếu là dầu diesel, và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch theo mức chiết khấu, chẳng hạn như dầu nhiên liệu và naphtha.
Dữ liệu của Argus cho thấy, giá dầu diesel, xăng, naphtha và dầu mazut xuất xứ từ Nga ở các khu vực Biển Đen và Baltic đã vượt quá các mức trần trên trong những tuần gần đây.
Dầu thô Urals của Nga cũng được giao dịch trên mức trần giá do liên minh này áp đặt là 60 USD/thùng, theo Argus.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả trần giá là một thành công của chế độ trừng phạt đa phương áp đặt đối với Nga.
Ông Eric Van Nostrand, Quyền Trợ lý Bộ trưởng về Chính sách Kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ tuần trước cho biết, giá trần đang phát huy tác dụng, với việc doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm gần 50% so với một năm trước.
“Kể từ khi biện pháp giá trần được triển khai, doanh thu của Moscow vẫn tiếp tục bị siết chặt dù khối lượng xuất khẩu dầu thô Nga vẫn duy trì trên mức trung bình của năm 2021”, ông Nostrand cho biết trong một cuộc họp báo hôm 3/8.
Chính quyền Biden cũng đưa ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng tăng cường tiếp cận các công ty thương mại, công ty bảo hiểm và chủ tàu chở dầu ở phương Tây để nhắc nhở họ tuân thủ trần giá, các nguồn tin và nhà xuất khẩu nói với Reuters.
Mỹ dự kiến sẽ sử dụng các chiến thuật “mềm mại”, thay vì đe dọa trừng phạt nghiêm khắc các bên vi phạm, vì điều đó có thể làm đảo lộn thị trường năng lượng, nguồn tin của Reuters cho biết.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU đã buộc Moscow phải chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm dầu của mình sang những khách hàng mới ở Tây Phi, Mỹ Latinh và Vịnh Trung Đông, làm tăng thời gian vận chuyển đối với các loại nhiên liệu lẽ ra dành cho khách hàng ở châu Âu.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Nga đã báo cáo doanh thu từ thuế dầu khí tăng mạnh trong tháng 7 mặc dù cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày. Các nhà sản xuất đã nộp 811 tỷ rúp (9 tỷ USD) cho chính phủ vào tháng 7, tăng 53% so với 529 tỷ rúp được nộp trong tháng 6, Bộ Tài chính Nga cho biết.
Với doanh thu bùng nổ từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn mong đợi, bất chấp những thách thức bên ngoài dai dẳng, các chuyên gia kinh tế của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định hôm 10/8.
“Hậu quả của cuộc xung đột ở Đông Âu được thể hiện rõ ràng qua các chỉ số như sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phục hồi rộng lớn hơn dường như vẫn còn nguyên vẹn, được hỗ trợ bởi doanh thu bùng nổ từ xuất khẩu hydrocacbon và các xu hướng nhu cầu trong nước đáng khích lệ”, các chuyên gia của OPEC cho biết trong báo cáo tháng 8 của tổ chức này.
Nga là thành viên của OPEC+, một tổ chức gồm các thành viên cốt lõi OPEC và các quốc gia đối tác.
Minh Đức (Theo Reuters, UPI, Upstream Online)