'Mắc kẹt' giữa lòng thành phố
Nằm liền kề chợ Đông Thọ (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) và những ngôi nhà cao tầng san sát của phố Đội Cung I, là một khu vực toàn những căn nhà ẩm thấp, xập xệ cùng những cư dân đã hơn 20 năm chờ đợi để được giải tỏa thực hiện Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân - Thế Lữ, phường Đông Thọ (thuộc khu nhà ở chung cư Mai Xuân Dương).
Những căn nhà ẩm thấp, xuống cấp đã phải chờ đợi 20 năm để được giải tỏa.
Theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến ngõ 46, phố Đội Cung I. Trong căn nhà lợp mái tôn cũ kỹ, bà Trịnh Thị Dự và đứa cháu trai đang trò chuyện cùng nhau. Đứa cháu bỗng khịt khịt mũi và thốt lên: “Mùi gì khó chịu vậy bà?” – “Mùi từ cống nước thải đấy!” Câu trả lời không chút hoài nghi cho đứa cháu nhỏ lại thêm một lần như cứa vào tâm can người bà đã ở cái tuổi gần đất, xa trời vì nhắc đến cái dự án treo mà gia đình bà và hơn 30 hộ dân xung quanh phải chịu đựng 20 năm nay.
Bà Dự nhớ lại: Đây là căn nhà bà đã sinh sống từ khi bà còn trẻ, đến bây giờ đã ngoài 70 tuổi. Khoảng năm 1993, người dân ở đây được biết khu dân cư này thuộc diện quy hoạch khu Mai Xuân Dương. Đến năm 1999-2000, UBND TP Thanh Hóa tiến hành quy hoạch, xây dựng và hình thành khu dân cư Mai Xuân Dương. Các hộ dân ở đây thuộc diện thu hồi đất và tái định cư đi nơi ở mới để làm đường ngang, dọc cho khu dân cư Mai Xuân Dương và chợ Đông Thọ. Thế nhưng từ đó đến nay, chẳng biết tại sao dự án mãi không thấy triển khai, các hộ dân vẫn chưa được tái định cư đi nơi ở mới mà vẫn sống trong cảnh chờ đợi...
Bà Lưu Thị Triển, vốn là thương binh, cán bộ hưu trí năm nay đã 68 tuổi nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo bởi căn nhà và mảnh đất của gia đình bà cũng bị “mắc kẹt” vì dự án treo. Bà Triển chia sẻ: Gia đình bà đến đây sinh sống từ năm 1982 và được Nhà nước cấp sổ đỏ từ năm 1991. Theo thời gian, nhà ở xuống cấp, dột nát, phải nhiều lần đầu tư tiền bạc tu sửa nhưng cũng chỉ là tạm bợ. Để có điện phục vụ cho khu Mai Xuân Dương, ngành điện còn nối những đường điện cao thế đi qua nóc nhà bà đang ở. Khổ nhất là môi trường ô nhiễm vì hệ thống cống rãnh thoát nước thải sinh hoạt không đồng bộ, nền đất cả khu phố này lại trũng thấp nên thường xuyên bị ngập khi trời mưa. Nhà bà còn đỡ vì có thể chạy sang nhà con trai ở tạm, còn các hộ khác rất vất vả vì nhiều lần phải sống trong cảnh lội nước bì bõm trong nhà.
Dẫn chúng tôi đi xem một vòng quanh khu dân cư với những căn nhà xập xệ và tạm bợ nằm cạnh chợ Đông Thọ, bà Triển chỉ tay về phía con dốc ở cuối đường Thế Lữ, nơi dẫn xuống nhà ở của một số gia đình phía trong. Hộ bà Trịnh Thị Phượng, số 52, đường Thế Lữ, hiện có 3 thế hệ với 12 nhân khẩu cùng chung sống. Chỉ vì dự án “treo” 20 năm đã khiến các cặp vợ chồng, con cái trong gia đình bà phải sinh hoạt trong những gian nhà cấp 4 vốn chật hẹp, cũ kỹ, nay đã xuống cấp trầm trọng... “Những người cao tuổi ở đây, khi phải chứng kiến những thế hệ con, cháu mình chịu “mắc kẹt” tại khu nhà ẩm thấp, xuống cấp này không khỏi tâm tư lo lắng cho tương lai và mong mỏi một lối thoát”, bà Phượng vừa nói, vừa thở dài.
Bà Hoàng Thị Duyên, số 62, đường Thế Lữ cũng cùng cảnh ngộ. Bà Duyên phàn nàn: Bà không chỉ chịu đựng nỗi đau của bệnh tật mà còn phải chịu nỗi vất vả khi phải sống nhiều năm trong cảnh “nhà ngập nước”. Cứ hôm nào trời mưa to, nước mưa cuốn theo nước thải, rác thải từ những con đường phía trên trượt qua con dốc chảy xộc vào nhà. Nhà còn nằm ngay phía sau chợ Đông Thọ nên thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ khu vực buôn bán gà, vịt trong chợ... Chồng bà mới mất được khoảng 1 tháng nay vì căn bệnh ung thư, bà Duyên cũng bị tai biến, sức khỏe giảm sút nên chẳng biết bà còn có đủ sức để chờ đợi ngày được giải tỏa, tái định cư về nơi ở mới?
Các hộ dân cũng cho biết thêm, họ đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên để có phương án xử lý dứt điểm đối với dự án này, thế nhưng trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ với các vị lãnh đạo khác nhau, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Cuối năm 2019, chính quyền thành phố có mời các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án lên phường để làm việc. Tại lần gặp gỡ này, đại diện một số phòng, ban của thành phố đã đưa ra phương án để thực hiện GPMB triển khai dự án, người dân cũng đã thống nhất di dời và ký cam kết. Thế nhưng, sau buổi làm việc đó, thì mọi chuyện một lần nữa lại rơi vào “im lặng”.
Để nắm bắt thêm về sự việc, phóng viên đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng số 1, UBND TP Thanh Hóa. Đại diện lãnh đạo Ban cho biết: Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân - Thế Lữ, phường Đông Thọ đã được đưa vào Nghị quyết HĐND TP Thanh Hóa năm 2019. Dự kiến, dự án có chiều dài gần 100m với khối lượng xây lắp khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí bồi thường GPMB hơn 26 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay, kinh phí GPMB đối với dự án quá lớn, tìm vị trí quỹ đất tái định cư tương xứng với khu vực được GPMB gặp khó khăn... Hiện nay, Ban đang chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế sớm hoàn thiện hồ sơ, trình tự để đưa vào đấu thầu, sớm triển khai dự án theo nguyện vọng của bà con.
20 năm chờ đợi một dự án với những khó khăn, vất vả trong đời sống, sinh hoạt là những điều mà chỉ những người dân sinh sống ở chính khu vực đó mới có thể thấu hiểu hết. Có nhiều người tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn sống những tháng ngày chờ đợi với hy vọng chính quyền TP Thanh Hóa sớm tìm ra giải pháp để người dân ở phố Đội Cung I thoát khỏi cảnh “mắc kẹt” giữa lòng thành phố. Có như vậy, những công dân ấy mới có thể hiện thực hóa ước mơ được sống ở một nơi khang trang, sạch sẽ mà họ mong mỏi chờ đợi suốt 20 năm qua.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mac-ket-giua-long-thanh-pho/118500.htm