Mặc thế giới 'sốt vó' với bầu cử Mỹ, các nước rủ nhau... tập trận

Trong khi mọi con mắt đang dồn về nước Mỹ với sự bám đuổi sít sao giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, các nước lại rủ nhau… tập trận.

Nga và Pakistan tham gia tập trận mang tên Druzhba 2020 từ ngày 5/11 đến 21/11. (Nguồn: DP)

Nga và Pakistan tham gia tập trận mang tên Druzhba 2020 từ ngày 5/11 đến 21/11. (Nguồn: DP)

Ngày hôm nay (5/11), Nga và Pakistan khởi động cuộc tập trận chung chống khủng bố mang tên Druzhba 2020 (Tình hữu nghị), diễn ra tại Pakistan và sẽ kéo dài hơn 2 tuần.

Trước đó, Quân khu miền Nam của Nga báo cáo hơn 150 quân nhân tham gia các cuộc tập trận này cùng hơn 70 thành viên của các lực lượng đặc biệt.

Trong công tác chuẩn bị cho Druzhba 2020, quân đội Nga đã dành một tháng để diễn tập các hoạt động tuần tra, tìm kiếm và phục kích tăng cường, ngụy trang và hành quân bí mật trên thực địa, cũng như sắp đặt các chốt giám sát lâu dài.

Được tổ chức từ năm 2016, các cuộc tập trận Druzhba đã diễn ra 2 lần ở Nga. Các lực lượng đặc biệt và các đơn vị súng trường cơ giới hóa của Nga đã được triển khai ở Karachay-Cherkessia và ở vùng lãnh thổ Stavropol cũng tham dự.

Hải quân Ai Cập và Pháp tập trận ở Địa Trung Hải ngày 3/11. (Nguồn: FT)

Hải quân Ai Cập và Pháp tập trận ở Địa Trung Hải ngày 3/11. (Nguồn: FT)

Trước đó, ngày 3/11, một cuộc tập trận song phương khác diễn ra tại khu vực hạm đội phương Bắc thuộc Địa Trung Hải giữa lực lượng hải quân Ai Cập và Pháp.

Khinh hạm Taba của Ai Cập và khinh hạm Jean Bart của Pháp tham gia cuộc tập trận bao gồm chương trình huấn luyện về các đội hình di chuyển trên biển và đánh giá các mối đe dọa trên mặt đất, trên không và tàu ngầm, đồng thời xây dựng các kịch bản để đối phó với những mối đe dọa đó.

Cuộc tập trận cũng tập trung vào các phương tiện đối phó với một số mối đe dọa trên không, đặc biệt là tình huống đối phó với những cuộc không kích do máy bay chiến đấu F-16 của Ai Cập thực hiện.

Diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Ai Cập và Pháp, cuộc tập trận trên nhằm hỗ trợ các nỗ lực đảm bảo duy trì ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.

Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia thường niên UNITAS lần thứ 61 diễn ra ở vùng biển ngoài khơi cảng Manta, Tây Nam Ecuador ngày 3/11. (Nguồn: UPI)

Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia thường niên UNITAS lần thứ 61 diễn ra ở vùng biển ngoài khơi cảng Manta, Tây Nam Ecuador ngày 3/11. (Nguồn: UPI)

Cùng ngày 3/11, lực lượng hải quân của 8 quốc gia Mỹ Latinh và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận hải quân đa quốc gia thường niên UNITAS lần thứ 61 ở vùng biển ngoài khơi cảng Manta, Tây Nam Ecuador.

Tổng cộng 1.254 sĩ quan và thủy thủ trên 13 tàu chiến của Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Peru, Uruguay và Mỹ thực hiện các hoạt động diễn tập trên biển Thái Bình Dương đến hết ngày 11/11.

Cuộc tập trận UNITAS lần thứ 61 bao gồm các hoạt động diễn tập chống cướp biển, trao đổi thông tin liên lạc và huấn luyện máy bay chiến đấu. Ngoài ra, cuộc tập trận còn tập trung vào các hoạt động kiểm soát tình trạng buôn bán ma túy, hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp và viện trợ nhân đạo.

Tập trận Malabar của hải quân 4 nước Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia diễn ra từ ngày 3-5/11. (Nguồn: Reuters)

Tập trận Malabar của hải quân 4 nước Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia diễn ra từ ngày 3-5/11. (Nguồn: Reuters)

Đáng chú ý trong tuần này là tập trận hải quân Malabar của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày (3-5/11) ở vịnh Bengal cho thấy khả năng phối hợp hoạt động ở mức cao giữa các lực lượng hải quân 4 nước trên, cũng như thể hiện quyết tâm trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 được thực hiện theo hình thức “không tiếp xúc, chỉ trên biển”.

Trong giai đoạn đầu, các nước thực hiện các bài diễn tập hải quân phức tạp ở cấp độ cao như tác chiến trên mặt nước, chống ngầm và phòng không. Các bên tham gia cũng sẽ thực hiện các hoạt động đáp máy bay trên tàu của nhau và khai hỏa vũ khí.

Cuộc tập trận Malabar ban đầu được tiến hành từ năm 1992 giữa Ấn Độ và Mỹ, đến năm 2015 có thêm Nhật Bản tham gia với tư cách thành viên thường trực.

Ngày 20/10 vừa qua, Ấn Độ chính thức mời Australia tham gia cuộc tập trận, trong động thái được đánh giá sẽ tạo cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm Bộ Tứ. Như vậy, đây là lần đầu tiên các nước Bộ Tứ tương tác với nhau ở cấp độ quân sự.

Australia từng tham gia cuộc tập trận Malabar vào năm 2007 với tư cách đối tác không thường trực.

Giai đoạn hai của cuộc tập trận Malabar sẽ diễn ra từ ngày 17-20/11 trên biển Arab.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mac-the-gioi-sot-vo-voi-bau-cu-my-cac-nuoc-ru-nhau-tap-tran-128266.html