Mắc thủy đậu ở bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc và điều trị thế nào?

Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, đa phần là lành tính. Tuy nhiên, trên người bệnh đái tháo đường có sức đề kháng kém nên dễ gặp các biến chứng nặng...

Biến chứng nặng ở bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh thủy đậu

Trong thời gian gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu trên nền đái tháo đường. Một số bệnh nhân gặp biến chứng bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.

Trong đó điển hình là bệnh nhân nữ mắc bệnh thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 cách đây 7 năm, có kèm theo tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Từ khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, bệnh nhân khám và điều trị thường xuyên theo đơn của Bệnh viện Nội Tiết Trung ương. Do đó trong suốt 7 năm qua luôn kiểm soát được đường máu ở mức an toàn.

Người đái tháo đường mắc thủy đậu có nguy cơ gặp phải biến chứng cao.

Người đái tháo đường mắc thủy đậu có nguy cơ gặp phải biến chứng cao.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiếp xúc với 2 người mắc bệnh thủy đậu. Sau đó bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, lên tới 39 độ C, kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa kích thước, không ngứa kèm theo đau rát họng.

Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt nhưng không hết. Chỉ trong vài ngày sau, dấu hiệu ho nặng tiếng hơn, ho nhiều, đờm chuyển màu vàng đục kèm theo đau nhức đầu và toàn thân. Kèm theo các vết phỏng trên da vỡ, tấy đỏ, có mủ...

Ngoài ra, bệnh nhân thấy tiểu tiện khó và tiểu buốt rắt. Tình trạng bệnh tiến triển tăng dần khiến bệnh nhân mệt nhiều, do vậy bệnh nhân đã được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và được nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.

ThS. BS. Phạm Hồng Quảng - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết: Tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc. Bệnh nhân sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh và huyết áp bị hạ. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy đường máu cao, bạch cầu tăng cao, glucose niệu (+)...

Ngay lúc đó, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu bằng truyền bù nước điện giải, hạ sốt, kháng sinh tiêm truyền đặc hiệu chống bội nhiễm và dùng thuốc ức chế virus acyclovir.

Đồng thời bệnh nhân được sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết tích cực cùng huyết áp và các triệu chứng đi kèm khác…

Cũng theo BS.Phạm Hồng Quảng, thời gian gần đây, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương đã tiếp nhận khá thường xuyên các ca mắc bệnh thủy đậu trên nền bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…

Hầu hết các ca bệnh này đều vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn nước điện giải cần bù nước điện giải tích cực, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm mặc dù trước đó người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu đã có thể kiểm soát tốt.

BS.Quảng cho biết thêm: Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, các ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần là lành tính. Tuy nhiên, trên những người có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận… bệnh dễ gặp các biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… làm bệnh tiến triển nặng.

Điều đáng nói là do bệnh nhân có nhiều bệnh nền phức tạp nên quá trình điều trị cho người bệnh gặp không ít khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải điều trị tích cực, toàn diện mới giúp người bệnh phục hồi để có kết quả điều trị tốt.

Sau khi được kiểm soát tốt, các nốt thủy đậu bắt đầu lành trên da.

Sau khi được kiểm soát tốt, các nốt thủy đậu bắt đầu lành trên da.

Cách nào dự phòng biến chứng thủy đậu ở bệnh nhân đái tháo đường?

BS.Phạm Hồng Quảng khuyến cáo: Bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu cần cách ly tránh các nơi đông người như trường học, trụ sở làm việc… để hạn chế lây truyền cho cộng đồng.

Với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… không nên chủ quan khi bị mắc thêm các bệnh cấp tính như cúm A, cúm B, COVID-19, sốt xuất huyết hoặc thủy đậu…

Ở những đối tượng này thường có hệ miễn dịch bị suy giảm, nếu nhiễm thêm một bệnh truyền nhiễm nào nữa sẽ có nguy cơ nặng hơn với biến chứng khó kiếm soát. Việc điều trị các bệnh lý nền lúc này cũng cần có sự điều chỉnh nhất định và điều trị tích cực hơn. Nếu không có thể sẽ gây ra những biến chứng cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Do đó phải đưa người bệnh đi khám ngay khi mắc các bệnh lý cấp tính. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà để tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng. Khi bệnh tiến triển nặng, sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị.

Thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Thậm chí, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do đó, thủy đậu được xem là một trong những bệnh dễ lây lan nhất. Tiêm vaccine thủy đậu là biện pháp ngăn ngừa bệnh hữu hiệu.

Để hạn chế các tổn thương ngoài da, người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, không để bóng nước bị vỡ. Có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm. Tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc đắp lá lên các vết bóng nước vì nguy cơ gây nhiễm trùng.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi để tăng cường sức để kháng. Uống nhiều nước...

Nguyễn Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-thuy-dau-o-benh-nhan-dai-thao-duong-dieu-tri-the-nao-169240909101639129.htm