Mắc ung thư phổi sống được bao lâu?
Ung thư phổi là ung thư có tỉ lệ tử vong hàng đầu, mỗi năm cướp đi mạng sống gần 21.000 người Việt.
80% ung thư phổi do môi trường sống
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỉ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 2,1 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có tới 1,8 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới ung thư phổi nhưng có tới 88% tử vong, tương đương gần 21.000 người.
PGS Quảng nhấn mạnh, có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong cơ thể và tác động bên ngoài môi trường.
Ung thư phổi là một trong những ung thư diễn tiến nhanh, tỉ lệ tử vong lớn do việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn
“Qua nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Nếu có nhiều yếu tố phối hợp với nhau thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng”, PGS Quảng thông tin.
Số liệu thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, 90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài. Khi hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời so với những người không hút thuốc.
Đáng tiếc, nhiều người không nhận thức đầy đủ tác hại của việc hút thuốc bị động, trong khi hít phải khói thuốc thụ động độc hại không kém người hút thuốc.
Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.
Cũng vì hít phải khói thuốc lá thụ động từ bố thời gian dài, một nam thiếu niên mới 15 tuổi đã được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Dù được điều trị tích cực tại BV K suốt 2 năm, nhưng sau đó nam thanh niên đã tử vong.
Chẩn đoán sớm là một thách thức
PGS Quảng cho biết, ung thư phổi là một trong những ung thư gặp nhiều thách thức để chẩn đoán sớm, đó là lý do khiến tỉ lệ tử vong vì loại ung thư này rất cao. Đến nay chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao.
Ngay tại Mỹ, dù đã đưa ra nhiều phương pháp, trong đó có chụp X-quang và xét nghiệm đờm, tuy nhiên tất cả phương pháp đó đều không hiệu quả còn chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ.
Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
PGS.TS Lê Văn Quảng. Ảnh: T.Hạnh
Theo PGS Quảng, hầu hết những trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Thông thường, người mắc dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến điều trị sai cách. Chỉ tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như: Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.
Ung thư phổi gồm: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%, nhưng tiên lượng điều trị rất dè dặt và ung thư phổi không tế bào nhỏ phát triển qua từng giai đoạn.
Trong những thập niên qua, các phương pháp điều trị tây y như: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao. Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.
Đáng lưu ý, ngay cả khi phát hiện rất sớm ung thư phổi, tỉ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ quanh mức 18- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.
Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.
PGS Quảng khuyến cáo, để dự phòng ung thư phổi, cách hiệu quả nhất là không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.
Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.