Mạc Văn Khoa: Tôi không chán diễn hài mà muốn thoát khỏi vùng an toàn
Từ thí sinh diễn tiểu phẩm 'Cô bé bán diêm' ở một chương trình truyền hình, Mạc Văn Khoa trở thành diễn viên sáng giá của màn ảnh. Sau 10 năm diễn hài, anh chọn làm mới mình khi vào vai phản diện trong phim kinh dị 'Út Lan: Oán linh giữ của'.
Đóng vai phản diện để làm mới mình
Phim "Út Lan: Oán linh giữ của" vượt doanh thu 77 tỷ đồng, Mạc Văn Khoa đón nhận điều này thế nào?
Gần đây, nhiều phim kinh dị ra rạp, đoàn phim rất lo lắng nhưng lịch chiếu đã lên. Tôi là diễn viên nên không áp lực doanh thu như nhà sản xuất, đạo diễn, nhưng nếu có doanh thu tốt tôi rất vui.

Mạc Văn Khoa vào vai gã địa chủ quái gở trong “Út Lan: Oán linh giữ của”.
Mười năm qua, đa phần tôi diễn hài. Đây là vai phản diện đầu tiên trên phim điện ảnh, cũng là vai diễn sau hơn 2 năm tôi vắng bóng trên màn ảnh. Thử thách tăng gấp nhiều lần, trong diễn xuất, cái nháy mắt, nhíu mày, khán giả thấy rất rõ. Tôi lo sợ vai diễn không thuyết phục được khán giả, có ý kiến trái chiều, người thích, người không.
Tôi coi đây là thử thách đánh dấu 10 năm làm diễn viên, tôi dám bước ra khỏi vùng an toàn, nhận một vai khác với mình.
Không phải anh chán diễn hài rồi sao?
Tôi hạnh phúc khi 10 năm trước tham gia chương trình hài, được khán giả nhớ tên. Diễn hài là đam mê. Suốt 10 năm qua, từ các chương trình, game show, phim, tôi đều diễn những tuyến hài.
Ban đầu, khán giả thấy lạ, thú vị nhưng liên tục như vậy, tôi thấy mình nhạt, quyết định dừng lại để chờ vai diễn thú vị hơn. Bẵng đi hơn 2 năm, có vai ông Danh trong "Út Lan: Oán linh giữ của" của đạo diễn Trần Trọng Dần, tôi nắm bắt cơ hội và tập trung hết sức vào vai diễn này.
Ông Danh không phải vai chính, nhưng mỗi phân đoạn là một thử thách. Tôi phải học hỏi, chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả đoạn chỉ lướt qua vài giây. Ông Danh không ác ở bề nổi mà nhiều thủ đoạn, sự tính toán. Tôi phải thể hiện bằng ánh mắt, thái độ để bộc lộ nội tâm nhân vật.
Hóa thân thành nhân vật độc ác, nặng tâm lý, anh có bị ám ảnh sau khi thoát vai?
Tâm lý ông Danh không quá kinh khủng như những nhân vật đa nhân cách, chỉ là dạng vai trước đây tôi chưa từng diễn. Dù cố gắng giữ tâm lý tốt nhất nhưng trước khi quay và trong 1 tháng quay tôi rất căng thẳng.
Lúc ở đoàn phim hay về nhà, tôi vẫn căng như trên set quay. Khi xong phim; vợ, mẹ vợ kể lại, trông mặt tôi cau có, khó chịu. Đúng là khi mình "sống" quen với nhân vật, mình không để ý điều đó.
Sau khi đóng máy 10 ngày, tôi cắt tóc, cạo râu, mọi thứ trở lại bình thường. Tôi đùa, nếu không có vai diễn này, chưa bao giờ tôi nghĩ mình già như vậy, đứng cạnh vợ mà trông như "trâu già gặm cỏ non" (cười).
Không nghĩ mình là ngôi sao
Bây giờ ngoại hình có khiến anh tự ti như lúc mới vào nghề?
Tôi lựa cơm gắp mắm, biết ngoại hình mình thế nào (cười). Lúc mới vào nghề, tôi tự ti, nhưng nhờ ngoại hình xấu lạ, tôi mới được khán giả nhớ tới.

Diễn viên Mạc Văn Khoa.
Ngoại hình chưa bao giờ là điều lấn cấn với tôi. Tôi thấy thoải mái, ra đường không đẹp nhưng mọi người đã quen điều đó. Nhiều diễn viên trên phim đẹp, ra ngoài cũng áp lực lắm.
Mạc Văn Khoa "xấu lạ" nhưng có sức hút riêng, anh đóng kịch thì sân khấu "cháy vé", đóng phim doanh thu cao ngất ngưởng. Có đúng khi nói anh lù khù nhưng vác lu mà chạy?
Tôi chưa quá thành công, không phải là ngôi sao. Tôi thử sức ở các lĩnh vực khác nhau, đều may mắn có khán giả yêu mến.
Khi đóng phim, tôi phải cố gắng gấp 2 - 3 lần, có phim trăm tỷ nhưng cũng có phim không thắng phòng vé.
May mắn rất quan trọng. Nếu năm 2015, tôi không tham gia cuộc thi hài thì không có hôm nay. Tôi chuẩn bị về quê để đi xuất khẩu lao động thì chương trình tới, tôi đi thi và được giải.
Tôi may mắn khi có sự đồng hành, ủng hộ từ gia đình. Ngoài bố mẹ, bà xã là người đồng hành từ lúc tôi bước chân vào nghề, nên rất hiểu quyết định của tôi.
Hơn 2 năm chờ đợi cơ hội làm mới mình, tôi không đóng phim, không tham gia game show… có tháng tôi không kiếm được đồng nào, trong khi gia đình đủ thứ chi tiêu từ con cái, tiền thuê nhà, sinh hoạt. Nếu vợ không hiểu, tôi không làm được điều đó.
May mắn, tôi kinh doanh thu nhập không quá khủng nhưng có một khoản để tôi yên tâm, chuyên tâm làm nghề.
Kinh doanh hay diễn viên đều có áp lực riêng
Anh là "ông trùm" bún đậu ở TP.HCM?
Mọi người nghĩ tôi đại gia, thu nhập khủng. Nhưng thực tế bán hàng ăn tiền lãi không nhiều. Tôi không bán thương hiệu, trong hơn 12 chi nhánh, đa số là anh chị em, các cháu cùng làm hoặc đứng ra quản lý.

Mạc Văn Khoa có cuộc hôn nhân hạnh phúc bên bà xã Thảo Vy.
Thu nhập không nhiều nhưng tôi vui vì cả gia đình cùng nhau buôn bán, phát triển một thương hiệu. Tôi sống xa quê, có người thân ở gần, thỉnh thoảng được gặp gỡ, tụ tập.
Áp lực khi làm doanh nhân và áp lực làm diễn viên có khác nhiều không anh?
Tôi thích được gọi là anh chàng bán bún đậu, Khoa bún đậu hơn là doanh nhân. Tất nhiên, kinh doanh hay diễn viên đều có áp lực riêng. Cả hai việc tôi đều "làm dâu trăm họ" (cười).
Trong nghệ thuật, có đôi lúc chưa quyết đoán, nhưng trong kinh doanh nhùng nhằng không tốt. Sau 5 năm làm kinh doanh, tôi có nhiều kinh nghiệm quý báu.
Nhà tôi không "nghèo rớt mùng tơi"
Công việc kinh doanh hiện nay, trước đây là công nhân, phụ vật liệu xây dựng, có giúp diễn viên Mạc Văn Khoa diễn đời hơn không?
Có người nói tôi đi phụ hồ, gia đình "nghèo rớt mồng tơi". Thực tế gia đình tôi vất vả như bao gia đình làm nông dân trong làng thời đó, nhưng không đến mức "nghèo rớt mồng tơi".
Dù khó khăn nhưng khi tôi muốn học nghệ thuật, bố mẹ tôi làm ruộng, trồng lạc, trồng lúa, nuôi gà để lo cho tôi ăn học.
Học xong cấp ba, thi Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội nhưng không đậu, tôi buồn lắm. Sau đó, tôi vào Sài Gòn làm giày da, vừa làm vừa ôn thi tiếp năm sau, rồi đậu và theo học Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật du lịch Nha Trang.
Khi làm công nhân giày da, tôi ở nhà chị họ. Nhà chị buôn bán vật liệu xây dựng, buổi tối không có người, tôi phụ đỡ anh chị chở nguyên vật liệu tới các lò gạch, thỉnh thoảng bưng bê, nhưng đấy không phải là công việc chính. Những trải nghiệm đó rất ý nghĩa, đặc biệt khi tôi trở thành diễn viên.
Tôi may mắn sinh ra ở làng quê, được đi học, mưu sinh khắp mọi miền đất nước nên được tiếp xúc, cảm nhận về nhiều miền quê khác nhau. Nếu không có trải nghiệm, tôi diễn bằng tưởng tượng. Ông Danh trong "Út Lan: Oán linh giữ của" bóp cổ anh trai, đòi chia tài sản nhưng ngoài đời tôi và anh chị không vậy.
Điều gì khiến chàng trai tỉnh lẻ quyết tâm trở thành diễn viên?
Chắn chắn đó là đam mê rồi. Hồi cấp 3, có chương trình Gặp nhau cuối tuần, tôi mong từng ngày giờ phát sóng để được xem. Tôi nghĩ tới cảm giác sung sướng nếu được chạm vào những diễn viên hài trên ti vi. Tôi mê hài đến nỗi ngày đêm nghĩ kịch bản để diễn ở trường, lớp.
Đam mê ấy khiến chàng trai có ngoại hình xấu lạ theo đuổi diễn xuất bằng mọi giá. Bây giờ, nếu giới thiệu tôi là diễn viên chắc không ai tin (cười).
Đến giờ, đam mê vẫn là ngọn lửa để tôi theo đuổi nghề. Tôi theo học đạo diễn sân khấu. Không được đào tạo chính quy về diễn xuất, tôi bắt đầu nghề diễn với bản năng. Mỗi vai diễn là một bài học để tôi hoàn thiện bản thân.
Cảm ơn anh!
Mạc Văn Khoa sinh năm 1992, quê Hải Phòng (Hải Dương cũ). Sự nghiệp nghệ thuật mở ra sau khi anh tham gia "Thách thức danh hài" năm 2015.
Nhờ nét hài duyên dáng, anh được nhiều đạo diễn mời tham gia các phim: "Taxi, em tên gì?", "49 ngày" phần 2, "Cua lại vợ bầu" (doanh thu 190 tỷ đồng), "Lật mặt 4" (120 tỷ đồng), "Lật mặt 5: 48h" (doanh thu hơn 150 tỷ đồng).
Năm 2020, anh kết hôn với Thảo Vy, sau đó đón con gái đầu lòng.