Phim hài đen của cha đẻ 'Ký sinh trùng'

'Barking Dogs Never Bite' (2000), bộ phim đầu tay của đạo diễn lừng danh Bong Joon-ho hiện vừa được trình chiếu trong chương trình Tiêu điểm Điện ảnh Hàn Quốc tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III, từ 29/6 - 5/7). Thật thú vị khi được xem là nguyên mẫu của đỉnh cao 'Ký sinh trùng' (2019) cũng của chính ông.

"Barking Dogs Never Bite" (Chó sủa không bao giờ cắn) kể câu chuyện về Ko Yun-ju (Lee Sung-jae) - một người đàn ông đang mắc kẹt giữa khủng hoảng nghề nghiệp và áp lực gia đình. Anh mơ tưởng rằng chỉ cần kiến thức và sự chăm chỉ là có thể trở thành một giáo sư tại trường đại học, để rồi vỡ mộng khi biết rằng anh chỉ có thể leo lên bậc thang sự nghiệp đó bằng cách duy nhất là hối lộ hiệu trưởng 10.000$ - khoản tiền mà một giảng viên thất nghiệp như anh không tài nào kiếm được.

Hai nhân vật Ko Yun-ju và Park Hyun-nam cùng tấm thông báo mất tích của chú chó nhà Yun-ju.

Hai nhân vật Ko Yun-ju và Park Hyun-nam cùng tấm thông báo mất tích của chú chó nhà Yun-ju.

Người vợ đang mang thai, Eun-sil (Kim Ho-jung), là người duy nhất gồng gánh tài chính gia đình. Điều này khiến mối quan hệ của họ dần rạn nứt, làm mất cân bằng cán cân quyền lực và giá trị tiếng nói trong căn hộ chật hẹp đó. Chính trong tình cảnh ngột ngạt này, tiếng sủa dai dẳng của một con chó hàng xóm không chỉ còn là sự phiền toái nữa, mà trở thành biểu tượng của tất cả thất bại và bất lực, thôi thúc Yun-ju đi đến hành vi bạo lực đối với loài chó như một cách giành lại quyền kiểm soát tối thiểu trong đời sống đang trôi tuột khỏi tay anh.

Trong khi đó, Park Hyun-nam (Bae Doona), nữ nhân viên bảo trì kiêm người chạy việc vặt trong khu chung cư mang trong mình giấc mơ trở thành một người hùng địa phương giống như những nhân vật trên truyền hình. Cô tình cờ chứng kiến cảnh Yun-ju thả một chú chó từ tầng thượng xuống đất. Dù chưa kịp nhận diện hung thủ, Hyun-nam bị cuốn vào hành trình truy đuổi đầy vụng về với kẻ giết chó với mong muốn được lên tivi - mở màn cho sự va chạm đầy tréo ngoe giữa hai kẻ lạc lối. Trớ trêu thay, khi chính chú chó của vợ Yun-ju mất tích, anh lại tìm đến Hyun-nam nhờ giúp đỡ. Cô luôn theo sát Yun-ju nhưng lại không nhận ra rằng anh chính là hung thủ giết chó mà cô trông thấy.

Ra mắt khi Bong Joon-ho chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, "Barking Dogs Never Bite" được thai nghén trong suốt thời gian dài và xuất phát từ một ký ức tuổi thơ. Lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Seoul, ông đã bị ám ảnh sâu sắc bởi hình ảnh một con chó chết mà ông tình cờ nhìn thấy. Hình ảnh đáng sợ của một thân xác động vật đang phân hủy, hiện diện một cách lạc lõng giữa đời sống hiện đại, chất chứa cả nỗi đau hiện sinh lẫn bi kịch tầm thường trở thành nguồn cảm hứng nguyên sơ, đầy bản năng cho bộ phim đầu tay của Bong Joon-ho, và rộng hơn, cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh luôn đào sâu những chủ đề mà hình ảnh đó gợi mở.

Ở tầng ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh một con chó chết bị phớt lờ giữa thế giới hối hả đã khắc họa sinh động cảnh ngộ của những con người bị bỏ lại phía sau hoặc bị chà đạp bởi thực tế khắc nghiệt của chủ nghĩa tư bản, nhất là những người nghèo khổ. Chính viễn cảnh ám ảnh đó đã đặt nền móng cho lối phê phán xã hội sắc bén của Bong Joon-ho, mở đầu cho hành trình khám phá những tàn nhẫn ẩn sâu dưới bề mặt đời sống đương đại.

"Barking Dogs Never Bite" ban đầu có thể khiến người xem nghĩ đến một câu chuyện kỳ quặc xoay quanh những chú chó mất tích trong khu chung cư. Thế nhưng, bộ phim nhanh chóng hé lộ bản chất thực sự như một tác phẩm châm biếm sâu sắc, đa tầng về đạo đức xã hội và công lý tại Hàn Quốc thời điểm còn là một đất nước đang phát triển. Thông qua những mối quan hệ đan xen, căng thẳng giữa con người và loài vật sống trong cùng một không gian, Bong đặt ra những câu hỏi nhức nhối về kết cấu đạo lý của đời sống đương đại.

Chính tại đây, giọng điệu điện ảnh đặc trưng của nhà làm phim này bắt đầu được định hình rõ nét: khả năng kỳ lạ trong việc biến những điều tầm thường nhất thành một thứ rực rỡ, lôi cuốn. Điểm hay của bộ phim nằm ở việc quan sát tỉ mỉ những nhịp điệu và bức bối thường nhật, rồi xoay chuyển chúng thành một câu chuyện vừa hài hước đen tối, vừa hỗn loạn bất an, vừa cuốn hút không dứt.

Các bộ phim của ông luôn làm sáng rõ những thực tế siêu thực trong đời sống thường nhật, khắc họa con người đang xoay xở trong những không gian méo mó, thường bị đè nén hoặc bị tước đi quyền lực bởi một hệ thống kinh tế khắc nghiệt.

"Barking Dogs Never Bite" chính là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá chủ đề ấy, khi Bong lần đầu tiên đưa vào hình tượng kiến trúc khu chung cư đồ sộ như một ẩn dụ - một bản thiết kế ý niệm mà sau này sẽ phát triển rực rỡ và chặt chẽ trong "Parasite" (Ký sinh trùng). Nếu như dinh thự xa hoa đối lập tầng hầm chật hẹp trong "Parasite" phơi bày rành rọt hố sâu giàu nghèo, thì tòa chung cư cao tầng trong "Barking Dogs Never Bite" lại tượng trưng cho sự lên xuống bấp bênh và đầy gò bó của tầng lớp trung lưu. Qua những ẩn dụ về không gian - từ các khối nhà cao tầng vô hồn và chạy dài như tới vô tận, đến những tầng hầm mục nát - đạo diễn phác họa sinh động cách giới tinh hoa cố tình làm ngơ trước những khó khăn của tầng lớp dưới đang phục vụ họ.

Trong "Barking Dogs Never Bite", tầng hầm của khu chung cư nhanh chóng hiện lên như một không gian then chốt, lặp đi lặp lại, nơi mà chất hài đen tối cùng những lời phê phán xã hội của bộ phim hội tụ mạnh mẽ nhất.

Bước xuống tầng hầm này, Yun-ju còn khám phá ra nhiều thứ khác nữa. Khi ẩn náu trong tủ quần áo, anh nghe lỏm được câu chuyện kinh dị về người sửa chữa lò hơi của tòa chung cư tên Kim đã chết và xác ông này bị giấu trong bức tường của tầng hầm. Và đây còn là nơi trú ẩn của "Ký sinh trùng" khác - một người vô gia cư ẩn mình dưới đống giẻ rách, tồn tại lặng lẽ và bị lãng quên.

Một cảnh trong phim "Barking Dogs Never Bite".

Một cảnh trong phim "Barking Dogs Never Bite".

Điều này hiện lên rõ nét qua nhân vật Yun-ju. Nỗi khốn đốn của anh không đến từ việc muốn giữ mình trong sạch trước tệ nạn hối lộ, mà vì phải lao đao kiếm tiền để hòa theo dòng chảy tệ nạn đó, kèm theo nỗi sợ bị bại lộ và nỗi ấm ức khi bị vợ xem thường còn hơn con chó trong nhà. Anh không thể leo lên bậc thang xã hội và sự nghiệp khi con đường ấy đầy rẫy những mặc cả đạo đức. Trong tay Bong, không gian kiến trúc trở thành tấm gương soi nội tâm nhân vật. Yun-ju bị thôi thúc bởi khát vọng leo lên, quyết liệt né tránh viễn cảnh tụt xuống tầng hầm mà anh luôn sợ hãi - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

"Barking Dogs Never Bite" mang đầy dấu ấn của một bộ phim đầu tay. Song, nó đã hé lộ rõ nét những yếu tố phong cách đặc trưng và chủ đề sẽ định hình nên sự nghiệp lẫy lừng của Bong Joon-ho sau này. Bộ phim cho thấy khả năng kiểm soát sắc thái cảm xúc của vị đạo diễn khi đã thành công chuyển hóa các hành vi tàn nhẫn thành những khoảnh khắc hài hước đen tối đầy duyên dáng, điều này phần lớn nhờ vào phần nhạc jazz nhẹ nhàng, phóng khoáng của Jo Seong-woo. Kỹ thuật làm phim gây ấn tượng với những cảnh rượt đuổi kịch tính, cùng những phân đoạn hình ảnh siêu thực.

Sau khi thử nghiệm với nhiều thể loại phim như giật gân - tội phạm (Memories of Murder), quái vật (The Host), hay thậm chí khoa học giả tưởng pha hành động của Hollywood (Snowpiercer), vị đạo diễn quay lại câu chuyện đời thường trong "Parasite" với quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần tăm tối và bi hài như trong phim dài đầu tay "Barking Dogs Never Bite". "Parasite" hiển nhiên là một bản nâng cấp từ bộ phim đầu tay nói trên khi nó giữ lại những điểm tốt và phát triển chặt chẽ hơn những khuyết điểm của một nhà làm phim nghiệp dư trong những bộ phim ở thuở đầu sự nghiệp.

Bong Joon-ho, một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của Hàn Quốc, đã đạt đỉnh cao sự nghiệp với bộ phim "Parasite" (Ký sinh trùng) khi đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng của LHP Cannes 2019, là phim châu Á đầu tiên thắng 4 giải Oscar, và cũng là phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên thắng giải Oscar hạng mục Phim xuất sắc nhất.

Kinh Quốc

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-hai-den-cua-cha-de-ky-sinh-trung-i774442/