Mặc vàng thế giới 'rơi tự do', vàng SJC vẫn tăng giá và đắt kỷ lục

Mặc cho vàng thế giới liên tục 'rơi tự do', giá vàng SJC vẫn tăng và trở nên đắt kỷ lục so với giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới liên tục “rơi tự do”

Trong vài phiên cuối tháng 9, giá vàng thế giới liên tục “rơi tự do” và rời xa mốc 1.900 USD/ounce. Trong phiên đầu tiên của tháng 10, vàng tiếp tục “lao dốc”.

Vàng đã giảm 1% vào thứ Hai, bắt đầu quý cuối cùng của năm với mức thấp nhất gần 7 tháng do đồng đô la Mỹ mạnh hơn và triển vọng lãi suất sẽ cao hơn khiến sức hấp dẫn của vàng thỏi bị xói mòn trong thời gian dài hơn.

Vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.835,40 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 3. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.852,40 USD.

 Mặc cho vàng thế giới liên tục “rơi tự do”, giá vàng SJC vẫn tăng và trở nên đắt kỷ lục so với giá vàng thế giới. Ảnh minh họa

Mặc cho vàng thế giới liên tục “rơi tự do”, giá vàng SJC vẫn tăng và trở nên đắt kỷ lục so với giá vàng thế giới. Ảnh minh họa

Đồng đô la đã tăng 0,2%, giữ gần mức cao nhất trong 10 tháng so với các đồng tiền khác và khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money cho biết: “Nguyên nhân chính kéo giá vàng đi xuống có liên quan đến thực tế là thị trường đang nhận ra rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài”.

“Tôi thấy khả năng vàng vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn... có thể có khả năng giảm thêm lên tới 1.800 USD/ounce”.

Kể từ khi vượt lên trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 5, giá vàng đã giảm hơn 11%, tương đương 230 USD, do bị áp lực bởi lãi suất chuẩn của Kho bạc Mỹ tăng mạnh, khiến vàng không sinh lời trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tăng chi phí vay ngắn hạn vượt quá phạm vi hiện tại là 5,25% -5,50% sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản trong tháng 8 tiếp tục giảm.

Các hợp đồng tương lai cho thấy việc cắt giảm lãi suất của FED khó có thể xảy ra trước tháng 6 năm 2024.

Marios Hadjikyriacos, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại nhà môi giới ngoại hối XM, cho biết: “Có vẻ như việc mua vào của ngân hàng trung ương cuối cùng đã cạn kiệt, khiến vàng phải tự bảo vệ mình trong môi trường lợi suất thực cao ngất ngưởng”.

Trọng tâm bây giờ sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell vào cuối ngày cũng như dữ liệu về việc làm, số lượng tuyển dụng tư nhân và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong suốt tuần.

Giá vàng SJC đắt kỷ lục, cao hơn vàng thế giới 14,64 triệu đồng/lượng

Trong những ngày cuối tháng 9, giá vàng SJC giảm mạnh và mất mốc 69 triệu đồng/lượng. Bước sang tháng 10, đứng trước đà “rơi tự do” của vàng thế giới, vàng SJC được dự báo sẽ giảm sâu. Tuy nhiên, điều ngược lại đang diễn ra.

Đóng cửa phiên đầu tiên của tháng 10, giá vàng SJC lại tăng đáng kể và vượt mốc 69 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC dừng ở mức 68,40 triệu đồng/lượng – 69,05 triệu đồng/lượng, tăng 120.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tháng 9.

Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC cũng được đẩy vượt mốc 69 triệu đồng/lượng chiều bán ra (69,05 triệu đồng/lượng). Giá mua vào vàng SJC là 68,15 triệu đồng/lượng.

Tại các công ty vàng bạc còn lại, giá vàng SJC dù tăng nhẹ nhưng vẫn dưới mốc 69 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC chốt phiên đầu tháng 10 ở mức: 68,20 triệu đồng/lượng – 68,90 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ giao dịch ở mức: 68,30 triệu đồng/lượng – 68,95 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy, giá vàng SJC tiếp tục tăng dù giá vàng thế giới liên tục giảm sâu. Điều này khiến khoảng cách giữa hai mức giá được nới lên mức cao kỷ lục trong năm 2023. Theo đó, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 14,64 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng SJC tiếp tục tình cảnh “một mình một chợ” bất chấp Ngân hàng Nhà nước mới phát đi tín hiệu sẽ kiểm soát tình trạng này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để nghiên cứu và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mac-vang-the-gioi-roi-tu-do-vang-sjc-van-tang-gia-va-dat-ky-luc-post267005.html