Mắc viêm gan B suốt 20 năm không điều trị, vào viện 1 ngày đành xin về vì quá nguy kịch

Bệnh nhân H. biết mình mắc viêm gan B từ 20 năm trước nhưng không điều trị gì, khi vào viện đã sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và viêm phổi nặng.

Ngày 4/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện liên tiếp điều trị các ca suy gan nặng, trong đó nhiều bệnh nhân có tiền sử viêm gan B mạn tính nhưng không theo dõi và điều trị thường xuyên. Tình trạng chung ở những trường hợp này là sự chủ quan, thiếu hiểu biết và thói quen tự ý dùng thuốc trong thời gian dài.

Cách đây không lâu, Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.H. (47 tuổi, quê Thái Bình) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và viêm phổi nặng.

Bệnh nhân này từng biết mình mắc viêm gan B nhưng suốt 20 năm không điều trị. Do tình trạng quá nặng, chỉ sau chưa đầy một ngày nhập viện, gia đình đã xin cho bệnh nhân về.

Trường hợp khác là bà Bùi Thị N. (54 tuổi, ở Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng phù toàn thân, vàng da đậm, thể trạng suy kiệt và suy gan tiến triển. Theo gia đình, bà từng phát hiện viêm gan B từ hơn 30 năm trước nhưng không điều trị gì.

Bệnh nhân từng dùng thuốc nam một thời gian rồi dừng hẳn cách đây 4 năm. Ba năm gần đây, sau một lần gãy xương, bà có thói quen tự mua thuốc giảm đau sử dụng kéo dài mà không qua thăm khám.

Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có vàng da tăng dần, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Một tuần sau, bà sốt cao liên tục 38 – 39°C, khó thở và yếu dần, không thể tự vận động.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng suy kiệt nặng, da và mắt vàng sẫm, phù toàn thân, khó thở phải thở oxy, xuất hiện chảy máu tại vị trí tiêm truyền. Bác sĩ thăm khám ghi nhận tổn thương phổi lan tỏa hai bên, cho thấy có viêm phổi kèm theo.

Điều trị cho bệnh nhân viêm gan B nặng.

Điều trị cho bệnh nhân viêm gan B nặng.

Các kết quả xét nghiệm khẳng định tổn thương gan nghiêm trọng: men gan tăng gấp 4 lần bình thường, chỉ số GGT phản ánh độc tính từ thuốc tăng hơn 10 lần giới hạn bình thường, bilirubin toàn phần – dấu hiệu điển hình của vàng da – tăng gần 17 lần.

Đặc biệt, chỉ số viêm CRP lên tới 161 mg/L, cao gấp hơn 30 lần giới hạn bình thường, cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm trùng toàn thân. Siêu âm ổ bụng cho thấy dịch cổ trướng lượng nhiều và tràn dịch màng phổi hai bên.

Từ các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan nặng trên nền viêm gan B mạn tính, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết tiến triển.

ThS.BS Phạm Thanh Bằng – người trực tiếp điều trị cho biết, viêm gan B có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể suốt hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy yếu, hoặc người bệnh dùng thuốc bừa bãi, virus viêm gan B có thể tái hoạt mạnh mẽ, dẫn đến suy gan cấp tính, thậm chí tử vong nếu không kịp thời can thiệp.

Hình ảnh cổ trướng ở bệnh nhân viêm gan B.

Hình ảnh cổ trướng ở bệnh nhân viêm gan B.

Kiểm tra chức năng gan định kỳ 6 tháng 1 lần

Từ các ca bệnh thực tế, bác sĩ Bằng khuyến cáo, người bị viêm gan B mạn tính – kể cả không có triệu chứng cần đi khám định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi chức năng gan, kiểm tra tải lượng virus và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

Người mắc viêm gan B tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc, hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này có thể gây tổn thương gan âm thầm, đẩy nhanh quá trình xơ gan, dẫn đến suy gan và ung thư gan.

Phát hiện sớm, theo dõi sát và điều trị đúng phác đồ là chìa khóa giúp kiểm soát viêm gan B, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng người bệnh.

Đặng Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-viem-gan-b-suot-20-nam-khong-dieu-tri-vao-vien-1-ngay-danh-xin-ve-vi-qua-nguy-kich-169250504111105016.htm