Mách bạn cách dùng thuốc cho cha mẹ tuổi cao hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ
Dùng thuốc điều trị bệnh cho người cao tuổi nhằm đạt chữa bệnh hiệu quả, tối ưu nhất nhưng phải hạn chế tác dụng phụ do thuốc có thể gây ra...
1. Một số lưu ý dùng thuốc ở người cao tuổi
Kết quả điều trị bệnh cho người cao tuổi phụ thuộc vào khả năng chẩn đoán sớm và chính xác; nắm chắc tiền sử bệnh và các triệu chứng bệnh đang có. Hiện nay, với những tiến bộ trong điều trị cùng với sự phát triển của ngành dược đã giúp việc sử dụng thuốc an toàn và có hiệu lực hơn ở người cao tuổi. Nhưng có hai yếu tố rất quan trọng cần nhớ khi cho thuốc ở người cao tuổi là giảm liều và theo dõi chặt chẽ.
Tại sao cần phải giảm liều?
Khi cơ thể già đi, những thay đổi có thể làm giảm khả năng phân hủy hoặc loại bỏ một số loại thuốc khỏi hệ thống của cơ thể. Điều này có thể có nghĩa là thuốc có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Vì vậy, người lớn tuổi có thể cần liều lượng thuốc thấp hơn hoặc dùng loại thuốc khác an toàn hơn.
Trong hầu hết các trường hợp, người lớn tuổi cần liều thuốc thấp hơn người trẻ tuổi. Bác sĩ thường nên bắt đầu với liều lượng thuốc thấp cho người lớn tuổi. Sau đó, có thể từ từ tăng đến số lượng mục tiêu để nhận được lợi ích và tránh tác dụng phụ.
Vì sao cần theo dõi chặt chẽ?
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, bao gồm các bệnh mạn tính và cấp tính. Do đó có thể cùng một lúc phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Các vấn đề liên quan đến thuốc phổ biến ở người cao tuổi bao gồm: Tương tác thuốc, thường gặp tác dụng phụ nhiều hơn và nặng hơn, dùng thuốc quá liều hoặc không đủ liều của thuốc…
- Tương tác thuốc
+ Tương tác thuốc - bệnh: Một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh này rất có thể làm trầm trọng thêm bệnh khác. Tình trạng này gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tương tác này thường gặp và nặng hơn ở người cao tuổi. Nếu bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm có thể dẫn đến những điều trị sai, buộc người cao tuổi phải sử dụng thuốc mới không cần thiết. Từ đó lại gây ra các tác dụng phụ khác…
Chẳng hạn như người cao tuổi thường gặp các rối loạn tâm thần nặng. Khi được sử dụng thuốc chống loạn thần, có thể gây ra các triệu chứng giống với bệnh Parkinson. Nếu được chẩn đoán sai là bệnh Parkinson và được kê đơn thuốc điều trị, từ đó có thể gặp phải các tác dụng phụ của từ các thuốc điều trị parkinson như hạ huyết áp tư thế đứng, mê sảng, buồn nôn...
Do đó, trước khi kê đơn thuốc ở người cao tuổi phải luôn cân nhắc khả năng triệu chứng hoặc dấu hiệu mới có thể là do nguy cơ tác dụng phụ của thuốc gây ra.
+ Tương tác thuốc - thuốc: Do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc một lúc, nên rất dễ gặp phải tương tác thuốc - thuốc. Ngoài thuốc điều trị, người cao tuổi còn hay thích sử dụng thảo dược, mà những thảo dược hoặc dược liệu được chiết xuất rất có thể tương tác với các loại thuốc được kê đơn và dẫn đến các tác dụng có hại. Chẳng hạn như chiết xuất ginkgo biloba dùng cùng với warfarin (chống đông máu) có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Hoặc như đang sử dụng aspirin lại dùng thêm wafarin sẽ làm gia tăng nguy cơ chảy máu...
Đối với bác sĩ, trước khi kê đơn thêm một loại thuốc gì cho người cao tuổi cần hỏi kỹ về bệnh cũng như các thuốc, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc đông y mà họ đang dùng. Đối với người bệnh, ngoài luôn phải mang theo sổ khám chữa bệnh đi theo, còn cần phải cho bác sĩ biết thêm về chế độ ăn cũng như các loại thảo dược khác mà mình đang sử dụng.
- Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân nào, lứa tuổi nào kể cả khi đã tuân thủ dùng thuốc đúng, nhưng nguy cơ này tăng lên ở người cao tuổi, do thường phải dùng nhiều loại thuốc và có những thay đổi về cơ thể làm ảnh hưởng tới hấp thu thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc thường gặp ở người cao tuổi như an thần quá mức, nhầm lẫn, ảo giác, té ngã và chảy máu... Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ để ứng phó, xử lý các bất lợi kịp thời.
- Dùng thuốc không hiệu quả
Người cao tuổi thường kèm theo trí nhớ suy giảm. Khi phải dùng thuốc dễ gặp phải các vấn đề nhầm lẫn, hay quên, mắt mờ khó nhìn thấy để phân biệt thuốc… Từ đó dẫn đến hậu quả là thực hiện sai y lệnh, dùng quá liều hoặc không đủ liều… dẫn đến không hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một đặc điểm khác cũng thường thấy ở người cao tuổi là có hai huynh hướng cực đoan:
- Không muốn dùng thuốc kể cả khi bị mắc bệnh vì khó uống thuốc, sợ đau do tiêm thuốc.
- Rất thích dùng thuốc với tính chất lạm dụng để mong muốn tăng cường sức khỏe, phòng bệnh…
Chính vì thế, cần theo dõi, giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế và người thân về quá trình dùng thuốc hằng ngày ở người cao tuổi để ngăn ngừa tình trạng này.
2. Các nguyên tắc sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Để người cao tuổi sử dụng thuốc phòng, chữa bệnh an toàn và hiệu quả, cần bảo đảm các nguyên tắc:
- Nếu phương pháp không dùng thuốc mang lại hiệu quả, thì không cần phải dùng thuốc. Trường hợp buộc phải dùng thuốc, nên sử dụng với liều thấp nhất đạt hiệu quả.
- Khi phải dùng thuốc điều trị bệnh thì càng dùng ít loại thuốc càng tốt. Chọn loại thuốc ít tác dụng phụ, ít gây độc nhưng đạt hiệu quả điều trị cao. Nên chọn đường đưa thuốc vào cơ thể phù hợp và an toàn nhất nhưng vẫn bảo đảm được sự hấp thu tốt và công hiệu của thuốc.
- Cần chọn liều lượng thuốc thích hợp, tối ưu nhất để bảo đảm được tính hiệu quả và tính an toàn của thuốc dựa trên trạng thái tổng quan của cơ thể người bệnh.
- Khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài, phải tuân thủ đầy đủ chế độ tái khám để được giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả điều trị và điều chỉnh liều lượng thuốc, loại thuốc cần thiết theo từng giai đoạn của bệnh.