Mách mẹ cách chăm bé yêu 3 tháng đầu đời
Ba tháng đầu đời là khoảng thời gian quan trọng đối với bé. Thời gian này bé yêu rất yếu ớt, mỏng manh cần sự chăm sóc dịu dàng, tỉ mỉ của mẹ.
Nhiều bà mẹ trẻ lần đầu mang thai, còn khá bỡ ngỡ và lo lắng cách chăm sóc trẻ, làm sao để hiểu được bé cần gì và chăm sóc bé yêu một cách tốt nhất?
Ảnh minh họa.
Dưới đây là một số kiến thức giúp các mẹ cho bé yêu một khởi đầu hoàn hảo trong cuộc đời:
Ủ ấm cho trẻ
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, do vậy con lạnh hay nóng, mặc bao nhiêu lớp áo là đủ cũng là điều khiến mẹ băn khoăn. Nếu mặc quá nhiều áo, quá ấm bé cũng khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Mẹ cần giữ ấm tay, lưng, bụng và bàn chân. Khi mặc tã, quần áo cho con, mẹ cần kiểm tra bàn tay con xem có bị lạnh và đổ mồ hôi không; lưng của con cần ấm vừa đủ. Nếu mẹ ủ ấm bé quá kĩ thì bé sẽ bị đổ mồ hôi và mồ hôi sẽ thấm ngược vào phổi của trẻ, gây ra viêm phổi hoặc cảm lạnh. Chân con chứa nhiều mạch và huyết, rất nhạy cảm.
Nếu mẹ không giữ ấm cho đôi chân thì bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp. Bụng bé cần được giữ ấm để bảo vệ dạ dày và hệ tiêu hóa. Cùng với việc giữ ấm cơ thể, mẹ cần để lộ đầu, gương mặt con được thoáng mát, tránh ủ kín đầu khiến bé bị bức bối, khó chịu.
Mẹ nên lựa chọn quần áo vải mềm, chất liệu cotton, co giãn thoải mái, dễ dàng mặc vào thay ra để thấm hút mồ hôi tốt, không làm tổn thương da bé. Mẹ nên vệ sinh vùng mông và bộ phận sinh dục của bé nhẹ nhàng, dùng khăn mềm lau nhẹ để tránh nhiễm khuẩn và chống hăm.
Nhiệt độ phòng của mẹ và trẻ cần duy trì ở mức 26 - 32 độ C. Đảm bảo không khí được lưu thông, thông thoáng, tránh sự bí bách của phòng kín.
Dinh dưỡng cho trẻ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất đối với trẻ sơ sinh. Để có đủ sữa cho con, mẹ nên uống đủ 1800 ml nước mỗi ngày bao gồm: nước lọc, nước hoa quả, sữa tươi, canh, chè vằng…..
Các bé mới sinh được 3 ngày đầu tiên mẹ nên cho bé bú mỗi bên vú từ 5 - 15 phút 1 lần để con làm quen với lịch trình bú sữa mẹ.
Khi con được 6 tuần mẹ cho bú mỗi bên lâu hơn khoảng từ 25 - 45 phút 1 lần. Thời gian giữa các cữ bú ban ngày mẹ cách khoảng 2 - 3 tiếng/ bú 1 lần.
Khi con được 6 tuần - 4 tháng: Lúc này mẹ giảm thời lượng bú mỗi bên vú cho bé xuống 15 - 30 phút/ bên/ lần và tăng thời gian giãn cữ cho con bú lên là 3 - 3.5 tiếng/ lần.
Cho bé bú cả 2 vú mỗi khi cho bú để kích thích sự tạo sữa và nhớ cho bé bú hết 1 bên rồi mới đến bên kia. Không nên ăn kiêng trong thời gian cho bú, giảm bớt năng lượng hấp thu vào sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp sữa.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc cho bạn, hãy nhắc với bác sĩ rằng bạn đang cho con bú và hãy tư vấn với bác sĩ của con bạn trước khi bạn uống bất cứ loại thuốc không cần kê toa nào.
Tắm cho trẻ
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm. Nếu mẹ không chăm sóc đúng cách và cẩn thận sẽ khiến bé dễ bị viêm da và nhiễm trùng da.
Mẹ không nên lạm dụng dầu gội, dầu tắm cho bé bởi chúng có một số thành phần hóa học, nếu không để ý và lựa chọn kĩ thì da bé rất dễ bị kích ứng.
Một số bà mẹ muốn tắm cho con bằng các loại lá dân gian nhưng mẹ cần lưu ý kĩ xem da bé thuộc loại da gì, bé nên tắm loại lá nào trong thời kì nào cho phù hợp.
Cách tắm bé:
B1: Sát trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi tắm cho trẻ, cắt móng tay để tránh làm tổn thương da bé.
B2: Pha nước ấm trên dưới 37 độ C, phòng kín gió, ấm áp, thông thoáng.
B3: Nhẹ nhàng rửa mặt, tai, mũi, cổ trước khi tắm bằng nước muối sinh lý và khăn mặt bằng vải xô, bông băng, tăm bông.
B4: Tắm từ chỗ sạch nhất đến chỗ bẩn hơn (những chỗ có nếp gấp như cổ tay, cổ, cổ chân, bẹn…, bộ phận sinh dục)
B5: Nên lau rửa nhẹ cho bé từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng, riêng bé trai thì mẹ nên rửa nhẹ nhàng tránh tuột bao quy đầu.
B6: Lau khô người bé bằng khăn bông mềm rồi quấn khăn bông khô vào người bé để bé không bị lạnh.
Sau khi tắm xong, mẹ nên bạt lò sưởi khoảng 15 phút, cho phòng ấm áp, và thực hiện massage nhẹ nhàng giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn và giữ tinh thần bé thoải mái.
Chăm sóc rốn
Rốn của trẻ sơ sinh cần được giữ khô và sạch sẽ nhất có thể. Vì vậy mà mẹ cần tuyệt đối không được ngâm cuống rốn của trẻ trong khi tắm cho tới khi cuống rốn của trẻ đã rụng hoàn toàn.
Rửa taybằng cồn 70 độ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ là một việc mẹ nên nhớ để có thể phòng ngừa những vi trùng, vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể của con.
Mẹ nên làm sạch rốn cho trẻ ít nhất 1 lần 1 ngày. Để làm sạch nhẹ nhàng vùng rốn của trẻ, mẹ nên sử dụng tăm bông nhúng vào nước đun sôi để nguội và thấm nhẹ khu vực này. Nếu cuống rốn của con bị bẩn, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% vệ sinh cho bé. Sau đó, mẹ hãy lau khô rốn và khu vực xung quanh
Giấc ngủ
Trẻ sơ sinh gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú vì chúng có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói.
Thông thường trẻ sơ sinh chỉ ngủ 16 - 20 tiếng 1 ngày. Có một số trẻ sơ sinh hay quấy khóc, gắt ngủ nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì sẽ làm mẹ mệt mỏi.
Mẹ cần rèn luyện cho bé ngủ theo quy trình tuần tự: ăn - chơi - ngủ, lặp đi lặp lai 1h - 3h một lần. Theo một quy trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại như vậy mẹ sẽ biết được khi bé khóc là vì nguyên nhân gì, đến giờ nào là bé sẽ ngủ, đến giờ nào bé sẽ ăn. Như vậy sẽ đảm bảo sức khỏe cho bé mà mẹ có thời gian thảnh thơi.
Cảnh báo
Trong những tháng này, nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu chậm phát triển dưới đây thì phải nhanh chóng đưa bé đi kiểm tra hoặc tìm chuyên gia để được tư vấn:
Vẫn không thể dùng mắt dõi theo những vật di động trong tầm nhìn.
Cơ thể quá mềm hoặc quá cứng.
Không có phản ứng đối với những âm thanh lớn.
Nghe giọng của mẹ mà vẫn không cười.
Hy vọng với bài viết trên các bậc cha mẹ có thêm được kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tốt nhất.