Mạch nguồn chảy mãi
'Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là trường học cộng sản chủ nghĩa của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng...'.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Bài 1)
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa dâng hương, báo công tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Phượng
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước khi vừa bước sang tuổi 21. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1917, Người sáng lập “Nhóm những người Việt Nam yêu nước” tại Paris (Pháp), thành phần chủ yếu là thanh niên, mục đích chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị chống thực dân Pháp ngay tại Pháp. Năm 1921, tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc thành lập ra “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, thành viên chủ yếu là thanh niên, mục đích đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức này truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin đến các dân tộc thuộc địa. Đây chính là loại hình Quốc tế thanh niên thuộc địa theo quan điểm của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc bước đầu bắt tay thực hiện.
Từ năm 1924-1926, Nguyễn Ái Quốc sau khi tìm hiểu tình hình, tìm cách tiếp cận và làm việc với nhóm thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm xã, tháng 6-1925, đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn đã bắt đầu mở rộng các hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của Nhân dân ta, đặc biệt là của thanh niên. Đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về Thái Lan để củng cố cơ sở cách mạng của bà con Việt kiều, đồng thời lựa chọn một số thiếu niên ưu tú là con em Việt kiều yêu nước bí mật đưa sang Quảng Châu đào tạo để chuẩn bị cho đội ngũ kế cận cách mạng sau này và chuẩn bị cho việc xây dựng TNCS Đoàn ở trong nước.
Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn TNCS. Hội nghị đã thông qua: “Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, đặc biệt là thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26-3-1931 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Sau khi có nghị quyết của Đảng và chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các chi bộ đảng ở địa phương đã cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn xã, huyện lên đến tỉnh. Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến hơn 2.500 đoàn viên. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế TNCS đã công nhận Đoàn TNCS Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế TNCS.
Theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3-1961) đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 (một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm Ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.
Sự ra đời của Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên. Sự ra đời của Đoàn TNCS ở Việt Nam trở thành một dấu mốc lịch sử trọng đại của thế hệ trẻ Việt Nam, từ đây những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng; luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam; luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua 90 năm, dưới sự rèn luyện, dìu dắt của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn thể hiện tốt vai trò xung kích, tình nguyện với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, “Gian khó chí không sờn”, tạo nên dấu ấn đẹp với xã hội, cộng đồng. Cùng với chặng đường lịch sử 90 năm vẻ vang của tổ chức đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những đóng góp tích cực.
Sinh thời, trong những lần trực tiếp về thăm Thanh Hóa hay nhiều lần gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh, Bác Hồ đều dành một phần nói về thanh niên. Lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng Người về thăm Thanh Hóa tháng 12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi những thành tích Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đạt được. Nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh, Bác khẳng định: “... Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và ĐVTN lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và ĐVTN cần phải thực sự xung phong, gương mẫu tăng gia sản xuất... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ...”.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên, đồng thời quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Người, trong mỗi thời kỳ cách mạng, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thanh niên. Trong kháng chiến, đã phát động và tổ chức nhiều phong trào, hoạt động cụ thể động viên tuổi trẻ trong tỉnh hăng hái thi đua, xung kích, tình nguyện trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu, lao động và học tập, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ đất Lam Sơn.
Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tuổi trẻ trong tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, “Hăng hái xung phong, không ngại khó khăn”, dũng cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... hàng vạn thanh niên hăng hái vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu chống lại sự đánh phá điên cuồng của giặc Mỹ xâm lược... Trong số đó, có hàng ngàn người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Nhiều tập thể, cá nhân được Bác Hồ, Đảng, Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen, 53 thanh niên được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 83 thanh niên được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, 6 thanh niên được phong tặng Anh hùng Lao động, những tấm gương anh hùng trẻ tuổi như: Ngô Thị Tuyển, Lê Mã Lương, Lê Đình Chinh... mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng của tuổi trẻ Thanh Hóa nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung.
Ngày nay, thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thanh niên, ngày 2-4-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên trong tình hình mới”. Quán triệt, triển khai tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã làm tốt công tác rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ về lý tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống và trách nhiệm của thanh niên với quê hương, đất nước.
Xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thanh Hóa vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào luôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh đoàn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Quan tâm bồi dưỡng, phát hiện đoàn viên ưu tú giới thiệu kết nạp Đảng, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được hơn 38.000 đoàn viên vào Đảng, trung bình mỗi năm giới thiệu trên 6.000 đoàn viên. Hiện toàn tỉnh có 1 triệu đoàn viên sinh hoạt trong 1.373 tổ chức cơ sở đoàn. Trong những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức tốt các phong trào, cuộc vận động lớn, như: “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”... Đồng chí Lê Văn Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, nhấn mạnh: Qua tham gia các phong trào, cuộc vận động, ĐVTN đã nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với xã hội được nâng lên; bản lĩnh chính trị luôn vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, thông qua phong trào tạo môi trường thuận lợi để cán bộ trẻ trải nghiệm, tự rèn luyện mình, trưởng thành, phấn đấu, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/bai-1-mach-nguon-chay-mai/133516.htm