'Mách nước' học sinh Hà Nội kỹ năng viết đoạn văn nghị luận thi Ngữ văn thi vào lớp 10
Môn Ngữ văn sẽ mở đầu cho kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội vào sáng mai (17/7). Với đề thi môn này, cô Trần Thị Thảo, giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) cho biết, dự kiến không có nhiều sự thay đổi so với đề thi năm 2019 – 2020.
Theo đó, về cơ bản vẫn là cấu trúc hai phần: phần I kiểm tra kiến thức văn bản văn học trong chương trình Ngữ văn 9 và Nghị luận văn học; Phần II kiểm tra kiến thức Tiếng Việt, Tập làm văn cơ bản và Nghị luận xã hội. Phần I, học sinh khá quen thuộc với dạng đề thi này. Điểm mới của đề thi chủ yếu ở phần II.
Theo cô Trần Thị Thảo, đối với HS lớp 9, nghị luận về các vấn đề xã hội thường khiến các em "e ngại" vì tính thực tiễn cao, yêu câu tư duy và vốn kiến thức xã hội… Nhưng thông qua kiểu bài này, giúp học sinh rèn luyện kĩ năng nghị luận, biết phản biện, bảo vệ ý kiến bản thân, biết đưa ra giải pháp…
Nhìn chung, các em cần "dùng não" nhiều hơn. Những vấn đề của đời sống xã hội bao giờ cũng phong phú và đa dạng, vì vậy, ôn tập theo nội dung đối với dạng bài này sẽ khó hiệu quả. Nắm được phương pháp làm bài, cách đọc và triển khai bài làm sẽ giúp các em có được chiếc chìa khóa cần thiết để mở bất kì chiếc hộp nào đề bài cho.
Các lưu ý và rèn luyện kĩ năng để làm tốt bài văn nghị luận được cô Trần Thị Thảo gợi ý như sau:
Đọc – xác định yêu cầu đề bài
Đề bài Nghị luận xã hội trong đề thi thường xuất phát từ các ngữ liệu "có vấn đề". Ngữ liệu cho bài thi rất phong phú, có thể lấy từ văn bản nhật dụng, nghị luận, ngữ liệu Tiếng Việt, Tập làm văn trong SGK Ngữ văn 9 hoặc một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (bài báo/ bài thơ/ bút kí…). Nhưng dù là ngữ liệu nào, thì nội dung trích dẫn đều khơi gợi hoặc bàn đến một vấn đề nào đó của xã hội cần được quan tâm, suy nghĩ.
Công việc của học sinh là phải tìm ra vấn đề nghị luận. Thông thường, vấn đề nghị luận trong đề thi tồn tại dưới hai dạng "lộ" và "ẩn". Dạng ẩn thường dùng cho các kì thi HSG hoặc thi Chuyên với câu lệnh: "Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề xã hội được gợi ra từ ngữ liệu trên?". Đối với đề thi vào lớp 10, vấn đề nghị luận xã hội thường xuất hiện lộ thiên, HS có thể dễ dàng xác định khi đọc đề.
Công việc quan trọng hơn nữa khi xác định yêu cầu đề thi đó là tìm giới hạn vấn đề. Học sinh cần xác định rõ phạm vi đề bài yêu cầu ở vùng kiến thức nào, thời đại, đối tượng ra sao… xác định đúng dung lượng đề bài yêu cầu 1/2 -2/3-3/4 trang giấy thi (để tránh bị trừ điểm vì viết quá ngắn hoặc quá dài).
Lập dàn ý
Một bộ phận học sinh hiện nay thường ngại hoặc quên dùng giấy nháp khi làm bài thi môn Văn. Đây là thói quen dễ khiến các em bỏ sót ý khi làm bài hoặc bài làm không được lên kế hoạch một cách rõ ràng, lo-gic. Với đề nghị luận xã hội, học sinh cần nháp bài một cách đơn giản, nhanh chóng bằng việc gạch ý cần triển khai trong bài làm.
Một đoạn văn Nghị luận xã hội về bất kì vấn đề nào đề bài cho, các em cần đảm bảo cấu trúc 4 phần. Với học sinh trung bình, chỉ cần triển khai đoạn văn theo hướng trả lời bốn câu hỏi (là gì? Như thế nào? Tại sao? Làm thế nào?) sẽ lấy được điểm cơ bản, cụ thể như sau:
Phần 1: Là gì? (giải thích vấn đề nghị luận). Đây là phần không thể bỏ qua, khi tiếp cận đề bài, học sinh cần làm rõ các từ khóa, từ khó, vấn đề nghị luận then chốt thông qua khâu giải thích. Học sinh hiểu rõ mình đang nghị luận về vấn đề gì, vấn đề có giá trị như thế nào.
Phần 2: Như thế nào? (phân tích, chứng minh làm rõ vấn đề nghị luận). Học sinh cần lấy được dẫn chứng để phân tích, làm rõ những biểu hiện và giá trị của vấn đề xã hội được đưa ra trong đề bài. Phần này yêu cầu học sinh nắm vững và thực hành tốt kĩ năng nghị luận chứng minh, phân tích và tổng hợp…
Phần 3: Tại sao? (Đánh giá, bàn bạc). Sau khi phân tích, chứng minh, phần này đòi hỏi các em phải thể hiện góc nhìn đa chiều về vấn đề mới có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét đúng đắn, nhiều chiều và toàn diện. Để vấn đề nghị luận thêm sâu sắc, học sinh khẳng định giá trị của vấn đề nghị luận bằng việc đưa ra các phản đề (phê phán biểu hiện trái với chuẩn mực, bàn về khía cạnh khác của vấn đề…) từ đó rút ra nhận xét, khẳng định vấn đề nghị luận.
Phần 4: Làm thế nào? (liên hệ bản thân). Trong bài viết Nghị luận xã hội không thể thiếu nội dung liên hệ bản thân. Vì vấn đề xã hội luôn có quan hệ mật thiết với mỗi con người, có tác động tới nhận thức, tình cảm và hành động cảu người viết. Từ nhận thức vấn đề, nghười viết cần liên hệ và kết nối với bản thân mình để đưa ra những bài học nhận thức, lời khuyên hoặc định hướng nhất định… Như vậy bài viết mới trọn vẹn.
Sau khi lập dàn ý, học sinh viết bài và cần phải kiểm tra lại bài sau khi viết để sửa chữa, bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa chính xác.. Đây cũng là một công việc cần thiết khi làm bài thi.
Cấu trúc đề thi được cô Trần Thị Thảo chia sẻ như sau:
Câu hỏi nghị luận xã hội nằm trong phần II (3 điểm) của đề thi vào lớp 10. Phần II gồm ba câu hỏi với biểu điểm tương ứng 0,5 điểm – 0,5 điểm – 2 điểm.
Câu hỏi 0,5 điểm, phần lớn kiểm tra kiến thức cơ bản (mức độ nhận biết) của học sinh về phần Tiếng Việt và Tập làm văn, ví dụ: Phương thức biểu đạt, liên kết, biện pháp tu từ, ngữ pháp câu…. Đối với câu hỏi này, học sinh chỉ cần trả lời ngắn ngọn, chính xác sẽ có điểm tối đa.
Câu hỏi 2 điểm, kiểm tra kiến thức được học kết hợp với hiểu biết xã hội, mang tính liên hệ và thực tiễn cao (mức độ vận dụng). Nội dung câu hỏi sẽ xoay quanh các vấn đề về sự việc, hiện tượng đời sống hoặc vấn đề về tư tưởng đạo lí mà học sinh đã được học, được hướng dẫn làm bài trong chương trình Ngữ văn 9 – tập 2.