Macron tới Élyseé: Tương lai nào cho Pháp sau bầu cử?

Trong cuộc bầu cử được coi là quan trọng nhất của châu Âu năm nay, Emmanuel Macron là người có cơ hội lớn nhất để trở thành tổng thống mới của nước Pháp.

"Tôi là đứa con của nước Pháp tỉnh lẻ. Không định mệnh nào sắp đặt cho tôi đứng đây hôm nay".

Emmanuel Macron đứng giữa đám đông người hâm mộ tại sân vận động Lyon và nói bằng một giọng trầm thay vì phong cách đầy hào hứng ngày thường của ông. Tuyên bố trên tách ông ra khỏi toàn bộ hệ thống chính trị của nước Pháp, thứ vốn làm cử tri chán ngán trong nhiều năm qua.

Macron, 39 tuổi, người chưa từng ra tranh cử cho bất kỳ vị trí nào trong chính quyền và cách đây 3 năm vẫn hoàn toàn vô danh, nói về việc ông sẽ tái thiết lại hệ thống chính trị Pháp "trống rỗng" và "đang sụp đổ" như thế nào trong khi từ chối gắn bản thân mình với một ý thức hệ cố định.

Hai ngày trước cuộc bầu cử, chiến dịch tranh cử của ứng viên trẻ này đối mặt với một trong những đợt tấn công mạng lớn nhất với hơn 9GB hình ảnh cá nhân, thông tin tài chính và hồ sơ bị đánh cắp. Nhưng thăm dò của Ipsos lúc này cho thấy ông có thể chiến thắng với 63% số phiếu bầu so với 37% của Le Pen.

Emmanuel Macron, 39 tuổi, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành tổng thống Pháp. Ảnh: AFP.

"Tôi không thỏa hiệp"

Theo Guardian, xuất thân và câu chuyện cuộc đời Macron có vai trò quyết định tạo nên hình ảnh của ông trước cử tri. Macron sinh ra trong một gia đình bác sĩ ở thành phố Amiens (phía bắc Paris). Năm 16 tuổi, ông bắt đầu cuộc tình với cô giáo dạy kịch lớn hơn 24 tuổi.

Gia đình từng gửi Macron đến Paris để học với hy vọng khoảng cách sẽ làm phai nhạt mối quan hệ với cô giáo của ông. Nhưng ông hứa sẽ quay trở lại để cưới bà và cô giáo năm xưa hiện đã là vợ ông.

"Tôi không thỏa hiệp", đó là câu Macron thường nói. Ông không chỉ ám chỉ mối quan hệ cá nhân mà cả cách thức hoạt động chính trị.

Năm 2014, Macron, người tốt nghiệp trường Hành chính Quốc gia đầy danh giá của Pháp và có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, trở thành Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thông tin Số trong nội các của Tổng thống Francois Hollande. Năm 2016, ông từ chức để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử.

Tôi là đứa con của một nước Pháp tỉnh lẻ. Không định mệnh nào sắp đặt cho tôi đứng đây hôm nay.

Emmanuel Macron, ứng viên tổng thống Pháp

Macron là người chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ủng hộ EU, ủng hộ tự do thương mại và cả người nhập cư. Ông thậm chí từng kêu gọi các học giả, doanh nhân và nhà khoa học Mỹ chuyển đến Pháp nếu cảm thấy hoang mang trước nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Macron thích liên hệ ông với Jeanne d'Arc, vị nữ anh hùng tử vì đạo của nước Pháp hồi thế kỷ 15 và được cho là người đã vượt qua những vị tướng dày dạn kinh nghiệm để giúp nước Pháp chiến thắng trong Cuộc chiến Trăm Năm giữa Pháp và Anh. Ông cũng cho rằng từ Cách mạng Pháp đến nay, nước Pháp hầu như không thể tìm được một người lãnh đạo đủ sức làm "hiện thân" cho đất nước. Charles de Gaulle, theo Macron, là người duy nhất đủ phẩm chất nhưng cũng từ sau de Gaulle, người Pháp thường xuyên chỉ chọn được những "cá nhân tầm thường" vào Điện Élyseé.

Những người chỉ trích lên án Macron là kẻ tự phụ quá mức. Các đối thủ chính trị gọi ông là "người truyền giáo". Dù vậy, chính Macron từng nói chính trị cũng như thần học.

Macron xuất hiện trên chính trường Pháp như một người không thuộc về đảng phái nào và từ chối bị gán cho một khuynh hướng chính trị cụ thể. Ảnh: Reuters. Đồ họa: Sang Ngô.

Giỏi đối nhân xử thế

Ứng viên 39 tuổi xây dựng thành công hình ảnh một người xuất chúng nhưng thân thiện và gần gũi.

Tại trụ sở chiến dịch tranh cử của Macron, một cơ ngơi trông không khác gì văn phòng của một công ty khởi nghiệp, các tình nguyện viên trẻ tuổi thường xuyên được ứng viên tổng thống bước đến chào hỏi và trò chuyện.

Ở trường trung học tại Paris nơi Macron từng được gửi đến, Jean-Baptiste de Froment, một bạn học cũ của ông và về sau trở thành cố vấn cho cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, nói rằng Macron rất nổi tiếng về tài hùng biện. Ông có thể đứng trước bảng đen và nói về một bài toán dẫu cho không biết cách giải nó.

Ông ấy tạo cảm giác rằng tương lai của thế giới trông cậy hết vào bạn.

Francois-Xavier Bourmaud nói về Emmanuel Macron.

"Điều rất rõ ràng là ông ấy bị mê hoặc bởi việc xã giao và là một thiên tài trong cách ứng xử với mọi người", Froment nhận xét.

Trong nền chính trị Pháp nơi sự ngạo mạn tràn lan, cách ứng xử của Macron trở thành nghệ thuật khiến ông nổi bật.

Ứng viên tổng thống Macron bắt tay với một cảnh sát khi rời khỏi nhà ông hôm 3/5. Ảnh: AFP.

Cuộc bầu cử kỳ lạ

Dù vậy, sự trỗi dậy của Macron trên chính trường Pháp không chỉ là năng lực của riêng ông, đó còn là kết quả của một chuỗi các vận may và hoàn cảnh bên ngoài. Tổng thống Francois Hollande quyết định không ra tranh cử lại, cựu Thủ tướng Francois Fillon đối mặt với bê bối vào giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử

Tương tự Trump ở nước Mỹ hay Marine Le Pen, đối thủ của Macron trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Macron cũng hưởng lợi từ việc ông không phải là người của hệ thống chính trị. Ứng viên 39 tuổi chưa hề tham gia một đảng phải chính trị nào cho đến khi thành lập phong trào En March! (tạm dịch: Tiến lên) của riêng ông.

Nhà bình luận Bernard-Henri Lévy từng nói trong chương trình Global Public Square của CNN rằng: "Có một sự thật là, để được lựa chọn trong nền chính trị Pháp hiện nay, chống lại hệ thống được coi là điều tốt. Điều này thật đáng buồn vì hệ thống hiện tại không tệ".

"Để ra tranh cử, bạn phải giả vờ rằng mình chống lại hệ thống, bằng cách này hay cách khác. Fillon giả vờ. Macron cũng giả vờ, bằng mọi cách".

Business Insider nhận định trong một năm mà mọi ứng viên đều là "phiên bản" cực đoan của khuynh hướng chính trị họ theo đuổi, Macron tham vọng giành lấy tất cả những cử tri trung hòa từ cả cánh tả lẫn cánh hữu. Khi bầu không khí chính trị Pháp đầy chia rẽ vì các cuộc tấn công khủng bố, một ứng viên "không hữu, cũng chẳng tả" như Macron thường tự nhận có thể là tốt cho ông.

Đặc điểm tâm lý của cử tri Pháp có thể lý giải phần nào cho sự trỗi dậy của cả Le Pen và Macron trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: AFP. Đồ họa: Sang Ngô.

Trong cuộc bầu cử ngày 7/5, một số cử tri Pháp tìm thấy ở Macron hình mẫu chính trị gia mới, một người đứng bên ngoài hệ thống sẵn có. Một số người khác đơn giản tìm kiếm ai đó có thể chặn bước tiến của lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Le Pen là một ứng viên cực hữu gây tranh cãi với các tuyên bố "đặt nước Pháp trên hết", chủ trương chống người nhập cư và đến từ một đảng phái từng mang đầy hơi thở phân biệt chủng tộc.

Nếu các cuộc thăm dò dư luận là đúng, Macron sẽ chiến thắng trước Le Pen để trở thành tổng thống mới của nước Pháp. Ở tuổi 39, ông sẽ là tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, với sự thiếu kinh nghiệm trên chính trường, chiến thắng trong cuộc bầu cử chỉ là khởi đầu của một trận chiến khốc liệt hơn với nước Pháp đang đứng trước nguy cơ khủng bố, cuộc khủng hoảng người nhập cư và cả tương lai mối quan hệ với EU.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/macron-dat-mot-chan-vao-elysee-tuong-lai-nao-cho-phap-sau-bau-cu-post743972.html