'Mái ấm' của hội viên, phụ nữ

Thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã thực sự trở thành 'mái ấm' cho hội viên, phụ nữ.

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)

Nhà trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ dân tộc Xa Phó, thôn Nậm Kéng, xã Nậm Sài (Sa Pa) được xây dựng cuối năm 2016 theo Dự án “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế bền vững và giữ gìn truyền thống văn hóa cho cộng đồng” từ nguồn hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh, nguồn xã hội hóa đóng góp của Trung tâm Craft Linh (Hà Nội). Nơi đây là mái nhà chung của chị em người Xa Phó bởi từ đây, tranh thủ những buổi tối, dịp nông nhàn hay ngày rảnh việc, họ lại tập trung thêu thùa, trao đổi, truyền dạy cho nhau kinh nghiệm về những cách thêu mới, những sáng tạo trong công việc. Sản phẩm làm ra được treo ở nhà trưng bày và bán cho người dân và du khách.

Chị Hù Mô Khá, thành viên câu lạc bộ tâm sự: Ngay từ nhỏ, các cô gái Xa Phó đã học cách dệt và tự may trang phục cho mình. Nhưng để trở thành sản phẩm hàng hóa thì chưa ai dám nghĩ tới.

Hội viên Câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó của phụ nữ xã Nậm Sài (Sa Pa) trao đổi kỹ thuật thêu thổ cẩm.

Hội viên Câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó của phụ nữ xã Nậm Sài (Sa Pa) trao đổi kỹ thuật thêu thổ cẩm.

Người giúp các chị em Xa Phó nơi đây hiện thực giấc mơ đó chính là các cấp hội phụ nữ của tỉnh đã liên kết với các tổ chức, cá nhân hướng dẫn chị em khôi phục lại các kỹ năng thêu truyền thống, khâu tay hoàn thiện sản phẩm, tư vấn ý tưởng sản phẩm, hỗ trợ tiếp thị cũng như nâng cao năng lực quản lý.

Mới đầu thành lập, câu lạc bộ chỉ có 30 thành viên. Qua một thời gian hoạt động, nhận rõ hiệu quả, nhiều chị em khác xin ra nhập, đến nay đã lên tới hơn 50 người. Không chỉ thêu mảnh đơn thuần, những tấm thổ cẩm còn được chị em khéo léo nâng ý tưởng thành những món đồ dùng như khăn, gối, ví, túi đựng điện thoại… Giờ thì các sản phẩm thổ cẩm do các thành viên trong câu lạc bộ làm ra không chỉ bày bán ở địa phương mà còn được “chắp cánh” ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Cũng nhờ đó, chị em của câu lạc bộ có thêm thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó, xã Nậm Sài cho biết: Từ khi có nhà trưng bày, sản phẩm làm ra không mấy khi bị tồn đọng, nhiều khi chị em còn phải tăng buổi làm thêm do đơn đặt hàng của các nơi gửi về nhiều. Chị em trong câu lạc bộ vui lắm vì vừa giữ được nghề của tổ tiên, lại vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Không chỉ cùng nhau liên kết sản xuất, tạo sinh kế cho chị em, nhiều cấp hội phụ nữ còn chung tay tạo quỹ tiết kiệm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Chi hội Phụ nữ tổ 5C, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) là một ví dụ. Bao năm “tích tiểu thành đại” do hơn 60 hội viên thực hiện, đến nay quỹ tiết kiệm của chi hội đã lên đến gần 60 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chương trình cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình với lãi suất thấp và từ quỹ tiết kiệm của chi hội, chị đã được vay 30 triệu đồng. Có vốn, chị mua đồ đạc mở dịch vụ mộc dân dụng ở nhà cho chồng làm việc. Nhờ chăm chỉ, đến nay gia đình chị Hòa đã trở nên khấm khá, phần tiền dành dụm được, gia đình chị dùng để xây ngôi nhà kiên cố và nuôi các con học hành đầy đủ. Điều đáng mừng nhất là vừa qua, con trai của chị thi đậu Học viện Cảnh sát nhân dân. Chị Hòa bộc bạch: Các nguồn vay lãi suất thấp với những người nghèo như chúng tôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó vừa là nguồn vốn, vừa là động lực giúp chúng tôi phấn đấu phát triển kinh tế gia đình.

Phụ nữ thị trấn Sa Pa giúp nhau phát triển kinh tế nhờ trồng cây atiso.

Phụ nữ thị trấn Sa Pa giúp nhau phát triển kinh tế nhờ trồng cây atiso.

Theo chị Đoàn Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 5C, thị trấn Phố Ràng, thì mình vì mọi người, mọi người vì mình là phương châm của chi hội. Vì vậy, hơn 90 hội viên chi hội luôn đồng lòng sẻ chia. Trước nhất là cùng góp tiền để xây dựng quỹ, sau đến là thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình khó khăn, vất vả hơn. “Chúng tôi luôn mong tất cả các gia đình trong chi hội được êm ấm, hạnh phúc, kinh tế phát triển” - chị Tuyết nói.

Không chỉ gây quỹ tạo vốn, tạo sinh kế, làm nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, các chi hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn tích cực chung tay giúp đỡ hội viên nghèo bằng nhiều cách, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng vùng, như chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp đỡ cây, con giống, ngày công lao động… Mỗi năm, hàng nghìn phụ nữ đã được giúp đỡ, phát triển từ các chương trình. Như năm 2018, toàn tỉnh đã vận động được hơn 6.500 phụ nữ có kinh tế khá và 297 chi, tổ phụ nữ giúp hơn 2.600 phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tiền và hiện vật với tổng trị giá hơn 6,5 tỷ đồng; vận động tiết kiệm thông qua các chi, tổ phụ nữ, các tổ tiết kiệm và vay vốn hơn 3 tỷ đồng cho 1.216 hội viên vay phát triển kinh tế, nâng tổng số tiền tiết kiệm lên hơn 32 tỷ đồng.

Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Các hoạt động tiết kiệm cho hội viên vay không tính lãi, các chị em khá giúp chị em khó khăn là những việc làm rất nhân văn, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Kết quả thu được không chỉ giúp các chị em nghèo vơi bớt khó khăn thoát nghèo, mà trên hết còn là tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó, khăng khít, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất tại các địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/mai-am-cua-hoi-vien-phu-nu-z5n20191020082205256.htm