'Mái ấm' của người khiếm thị
Hội Người mù Nam Trực hiện có 255 hội viên, trong đó có 110 hội viên trong độ tuổi lao động đã được học nghề. Những năm qua, Hội Người mù huyện đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học nghề, tạo việc làm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hội Người mù Nam Trực hiện có 255 hội viên, trong đó có 110 hội viên trong độ tuổi lao động đã được học nghề. Những năm qua, Hội Người mù huyện đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học nghề, tạo việc làm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù huyện đã khảo sát cụ thể nhu cầu học nghề, vay vốn của từng hội viên; trên cơ sở đó phối hợp với các tổ chức, cá nhân dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt... cho hội viên, đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn. Toàn huyện hiện có 6 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt do các hội viên quản lý, tạo công ăn việc làm ổn định cho 24 hội viên với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất tăm tre, kinh doanh. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không có tình trạng nợ đọng. Mô hình cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù huyện nhằm giúp đỡ hội viên khó khăn hiện duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 5 hội viên. Anh Trần Văn Tiến, nhân viên tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù huyện cho biết: “Tôi đã được Hội tạo điều kiện cho đi học lớp xoa bóp bấm huyệt và về làm tại đây đã 5 năm; thu nhập mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng, giúp tôi trang trải cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày”. Hội viên Trần Thị Nhung, xóm Hồng Tiến, xã Nam Hồng đã tự mở cơ sở bấm huyệt tại nhà, một mình nuôi con trai đang học THPT. Chị Nhung bị khiếm thị bẩm sinh, năm 2002, tham gia Hội Người mù Nam Trực. Được Hội tạo điều kiện cho học chữ nổi và lớp xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt Hà Nội, chị mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại nhà, đang tạo công ăn việc làm cho 5 hội viên với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nghề xoa bóp, bấm huyệt, nghề sản xuất tăm tre cũng thu hút nhiều hội viên tham gia. Cơ sở sản xuất tăm tre của Hội được thành lập năm 2003 với 20 hội viên; mỗi năm, sản xuất, cung ứng ra thị trường hàng chục vạn gói tăm tre. Bên cạnh quan tâm đẩy mạnh giúp đỡ hội viên có việc làm, tự chủ kinh tế, Hội Người mù huyện thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, chấp hành mọi chủ trường đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên, khích lệ hội viên luôn yêu thương, chăm lo giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần cùng vươn lên hòa nhập xã hội.Từ đầu năm đến nay, Hội đã trợ cấp cho 10 hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao học bổng và xe đạp vào dịp đầu năm học mới cho các cháu là con hội viên. Ngoài ra, Hội Người mù huyện cũng chủ động đề nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miễn giảm một số khoản đóng góp cho con của hội viên, tạo động lực giúp con hội viên phấn đấu vươn lên trong học tập, để trở thành những người có ích cho xã hội. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”, nhiều gia đình hội viên được công nhận “Gia đình văn hóa”. Ngoài ra, vào mỗi dịp lễ, tết, với sự giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh, UBND, Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ huyện... Hội tổ chức trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong dịp Tết Canh Tý năm 2020, Hội Người mù huyện đã tổ chức trao tặng 125 suất quà tết cùng tiền mặt trị giá 138 triệu đồng cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, Hội đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm được 588kg gạo và trích từ nguồn quỹ dự phòng của Hội 14 triệu đồng để mua thêm gạo, mỳ tôm..., giúp đỡ 60 người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nhất, Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực cho biết: Hội luôn là chỗ dựa tin cậy và trở thành mái nhà thứ hai của các hội viên. Ngoài việc phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động làm cho xã hội hiểu, giúp đỡ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, Hội đẩy mạnh hoạt động giáo dục, dạy chữ, dạy nghề, hướng dẫn lao động sản xuất cho người mù, nâng cao kiến thức để áp dụng vào lao động sản xuất”.
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả Hội Người mù huyện Nam Trực đã giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202011/mai-am-cua-nguoi-khiem-thi-2540870/