Mái chùa che chở hồn dân tộc...
Với người Việt, dù có theo đạo Phật hay không, nhưng hễ năm mới đến thì việc cùng người thân đi lễ chùa vẫn như một lẽ tự nhiên. Để rồi khi xa xứ, người Việt luôn tìm cho mình những điểm tựa tâm linh như thế.
Người Việt ở Warsawa (Ba Lan) những ngày đầu năm chẳng ai bảo ai đều tụ họp tại chùa Thiên Phúc. Ba Lan là quốc gia phần lớn theo Công giáo, cộng đồng người Việt mong mỏi lắm một mái chùa. Vì thế doanh nhân Bùi Anh Thái đã phát tâm xây dựng chùa Thiên Việt và đi vào hoạt động từ năm 2004. Cộng đồng người Việt có chỗ tới lui lễ Phật và cùng nhau nhớ về nguồn cội. Ngôi chùa gợi về ký ức quê hương khi có một hạng mục là chùa Một Cột, tương tự như kiến trúc chùa Một Cột ở Hà Nội.
Sau chùa Thiên Phúc, cộng đồng người Việt ở Ba Lan còn xây dựng chùa Nhân Hòa, cũng ở Thủ đô Warsawa. Không chỉ là nơi người Việt đến thắp hương, chùa Nhân Hòa còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa đón Tết cho cộng đồng.
Là người đã sống ở châu Âu nhiều thập kỷ, nhưng bà Phan Bích Thiện, kiều bào Hungray không bao giờ quên những ngày thơ bé sống cùng gia đình bên Hồ Tây. Tiếng chuông chùa văng vẳng ăn sâu vào ký ức. Nỗi nhớ quê hương càng day dứt hơn khi Tết đến, Xuân về. Lúc đó, con người ta cần một điểm tựa để thấy quê hương gần gũi bên mình hơn bao giờ hết. Nhìn sang những nước quanh khu vực, cộng đồng người Việt ở nước nào cũng có những ngôi chùa.
Bà Phan Bích Thiện cảm thấy “ghen tỵ” lắm. Và rồi bà quyết tâm đứng ra xin phép chính quyền sở tại, vận động bà con cộng đồng người Việt ở Hungary góp công, góp của dựng chùa. Mỗi lần về Việt Nam, bà Phan Bích Thiện lại gặp gỡ các sư thầy, tìm đến các làng nghề để xin tư vấn về cách thiết kế chùa Việt. Bà đến Ý Yên (Nam Định) để đặt đúc tượng Phật A Di Đà bằng đồng đỏ, còn chiếc chuông đồng do các nghệ nhân ở Thừa Thiên Huế thực hiện. Bức tượng Phật Quan Âm đặt trước cửa chùa lại đặt làm ở Đà Nẵng.
Bà phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi lại tìm hiểu, đặt hàng, rồi vận chuyển sang Hungary. Sau một hành trình dài chuẩn bị và xây dựng, đến tháng 8/2018, ngôi chùa được khánh thành có tên là chùa Đại Bi ở thành phố Simontornya. Bà Phan Bích Thiện xúc động chia sẻ: “Chúng tôi đều biết bà con có nhu cầu tâm linh, nhưng khi chùa Đại Bi đi vào hoạt động, chúng tôi rất xúc động khi dịp Tết, có những người Việt đi hàng trăm kilômet đến để lễ chùa.
Thường ngày, mỗi người một công một việc, không phải ai cũng có điều kiện giao lưu với bà con trong cộng đồng thường xuyên. Nhưng khi đến chùa, bỗng nhiên mọi người thấy gần gũi với nhau biết bao, bỗng nhiên sợi dây nguồn cội sống dậy. Người Việt thường bảo Tết đoàn viên cho nên khi đến chùa, chúng tôi thấy mình được đoàn tụ với cộng đồng”.
Chùa Đại Bi có ban thờ Quốc tổ Hùng Vương như hầu hết những ngôi chùa do người Việt ở nước ngoài xây dựng. Bởi trong tâm thức của mỗi người, phần vì “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”, phần vì muốn hướng về nguồn cội nhưng không có điều kiện lập một không gian thờ tự riêng. Việc tạo ra những ngôi chùa “hai trong một” như thế giúp mọi người vừa có thể lễ Phật, vừa có thể thắp nén nhang thơm lên những vị Vua Hùng đã có công dựng nước.
Tại Cộng hòa Séc cũng vậy, bà con người Việt vẫn đi lễ chùa vào các dịp lễ, Tết. Người đi lễ với những mục đích khác nhau, có người muốn cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; một số thì mong cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Người Việt tại Séc có một ngôi chùa đặc biệt, đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Ngôi chùa nằm trong khu thương mại Sapa - trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt ở Thủ đô Praha.
Chia sẻ về ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, Đại đức Thích Từ Phước, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại Sapa cho biết, người Việt Nam có một văn hóa rất đẹp, đó là uống nước nhớ nguồn. Chính vì luôn luôn nhớ cuội nguồn, dân tộc mà bà con có văn hóa đi lễ chùa đầu năm để lạy Phật, cầu cho gia đình, quốc gia, cho xã hội được bình an, sức khỏe, được cát tường như ý trong năm mới, dưới sự che chở của chư Phật mười phương. Đó là một văn hóa đẹp mà dân tộc ta đã duy trì suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Tại những nước châu Á, Tết nguồn cội còn “đậm đặc” hơn, cho dù có những gia đình đã đi xa Đất Mẹ hai, ba thế hệ. Người Việt tại Lào, Thái Lan tổ chức gói bánh chưng tập thể rồi tặng nhau trong dịp năm mới thay cho tiền mừng tuổi. Còn tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào có những ngôi chùa Việt nổi tiếng như chùa Phật Tích, chùa Bàng Long thì ngay từ đêm giao thừa, dòng người đổ đến hai ngôi chùa này đã hết sức tấp nập. Thế rồi, hàng trăm người đón giao thừa ngay tại chùa thay vì đón thời khắc quan trọng nhất trong năm ở gia đình.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích, Thủ đô Viêng Chăn chia sẻ: “Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Việt tại Lào nói riêng, được đón giao thừa tại một ngôi chùa Việt như là trở về với quê hương, ở đó thấm đượm tình dân tộc, thấm nhuần nghi lễ văn hóa đầu năm để chúng ta hướng tâm về điều thiện và cùng nhau cầu chúc cho quốc thái dân an, mọi người, bản thân và gia đình được bình an. Đó là một nét văn hóa nhân văn của người Việt Nam”.
Hơn hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động đón năm mới của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều người không được lễ chùa đầu năm. Bởi thế, Xuân Quý Mão sẽ là mùa Xuân đặc biệt, bà con xa xứ khắp năm châu đã sớm lên lịch cho một mùa hành hương khi Tết đến, Xuân về…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mai-chua-che-cho-hon-dan-toc-5707846.html