Mải đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, Thép Pomina (POM) 'quên' nộp báo cáo tài chính
Công ty Cổ phần Thép Pomina vừa có văn bản giải trình và đưa ra phương án khắc phục việc mã cổ phiếu POM bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 soát xét.
Thép Pomina đang tập trung thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược
Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM - sàn HoSE) vừa có văn bản giải trình và phương án khắc phục việc mã cổ phiếu POM bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Giải trình về vấn đề trên, ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết doanh nghiệp này đang thu thập và cung cấp dữ liệu cho tư vấn khảo sát đánh giá về công ty để tiến hành thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược do đó đã làm cho việc chậm số liệu báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay. Về phương án khắc phục việc cổ phiếu vào diện cảnh báo, Thép Pomina khẳng định đang tích cực làm việc với phía kiểm toán về cung cấp số liệu để có báo cáo sớm nhất gửi đến HoSE.
Hồi giữa tháng 7/2023, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Thép Pomina đã thông qua việc hợp tác chiến lược với hãng thép Nansei Steel (Nhật Bản). Theo đó, Thép Pomina sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70,17 triệu cổ phiếu POM (tương đương hơn 20% vốn điều lệ) cho Nansei Steel với giá bán 10.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Dự kiến Thép Pomina sẽ thu về khoảng 700 tỷ đồng từ đợt phát hành này và số tiền này sẽ được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện Nansei Steel đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền với Thép Pomina để lấy quyền độc lập đàm phán. Thép Pomina cũng đã công bố việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này lên mức tối đa là 65% để mở đường cho thương vụ trên.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cổ phiếu POM “lao dốc” 36% sau câu chuyện nhà đầu tư chiến lược
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính do Thép Pomina tự lập, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu chỉ đạt 2.444 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, việc kinh doanh dưới giá vốn cũng như chi phí phát sinh cao khiến doanh nghiệp này báo lỗ lên tới 536 tỷ đồng, so với mức lãi 8 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022, khiến lỗ lũy kế của Thép Pomina tăng lên mức 789 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém tích cực của Thép Pomina đặt trong bối cảnh toàn ngành thép Việt Nam chịu nhiều áp lực khi nhu cầu suy yếu, giá bán liên tục giảm sâu.
Trong năm nay, Thép Pomina đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ 150 tỷ đồng với nhận định thị trường bất động sản có thể vẫn còn khó khăn cho đến tháng 6/2024, triển vọng nhu cầu sử dụng thép trong nửa cuối năm nay phụ thuộc chủ yếu vào tình hình đầu tư công. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm nay, Thép Pomina còn cách rất xa so với kế hoạch cả năm.
Cuối tháng 8 vừa qua, Thép Pomina đã công bố kế hoạch tái khởi động hệ thống luyện phôi thép lò điện tại chi nhánh Pomina 3 vào tháng 10 tới đây nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thép phục hồi khi các hoạt động đầu tư công được thúc đẩy vào cuối năm nay. Thép Pomina hiện có ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng có công suất lớn nhất phía Nam, với tổng công suất luyện phôi thép lên tới 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn.
Thép Pomina cũng dự kiến tái khởi động lò cao vào đầu năm sau để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản. Trong đó, nguyên vật liệu sẽ được cung cấp bởi nhà đầu tư chiến lược là Nansei Steel (Nhật bản).
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 26/9, cổ phiếu POM đạt 5.800 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh thiết lập hồi giữa tháng 7/2023 khi câu chuyện nhà đầu tư chiến lược xuất hiện, thị giá cổ phiếu POM đã giảm gần 36%.