Mãi khắc ghi công lao to lớn của những người lính Cụ Hồ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội đã có nhiều buổi biểu diễn tại Phố tranh bích họa Phùng Hưng, để lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả Thủ đô.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Một tiết mục nhiều cảm xúc của Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi

Một tiết mục nhiều cảm xúc của Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi

Hát về những người lính

Ông Nguyễn Khắc Lộc - Trưởng Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội cho biết, Đoàn Văn công Trường Sơn thuộc Bộ Tư lệnh 559, được thành lập trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ và ác liệt. Thành viên của đoàn là những người lính Trường Sơn từng tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Họ có năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc. Những năm tháng chiến tranh, họ đã dùng “tiếng hát át tiếng bom” để tạm quên đi những đau thương, mất mát của chiến tranh ác liệt, cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng đội.

Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, những người lính trở về quê hương, Từ đó, Đoàn Văn công Trường Sơn không còn nữa. Năm 2019, ông Nguyễn Khắc Lộc cùng một số đồng đội năm xưa thành lập Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội thuộc Sư đoàn 15 Bộ Tư lệnh Công binh. Đến nay, đoàn có 20 thành viên, gồm những người lính từng tham gia chiến trường và những người có niềm đam mê với âm nhạc.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọ - Phó Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội cho biết: “Có được hòa bình như ngày hôm nay không phải là dễ. Chúng tôi đứng đây và hát cho một thế hệ đã cầm súng đứng lên, chiến đấu quên mình để bảo vệ độc lập dân tộc”.

Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội hiện nay có 20 thành viên, gồm những người lính từng tham gia chiến trường và những người có niềm đam mê với âm nhạc. Ảnh: Quỳnh Chi

Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội hiện nay có 20 thành viên, gồm những người lính từng tham gia chiến trường và những người có niềm đam mê với âm nhạc. Ảnh: Quỳnh Chi

Ông Nguyễn Khắc Lộc chia sẻ thêm; “Chúng tôi biểu diễn tại các chương trình hoàn toàn miễn phí. Lâu nay, chúng tôi hoạt động bằng tấm lòng với những đồng đội đã hy sinh, hay những thương, bệnh binh chịu nhiều tổn hại về sức khỏe do bị thương ở chiến trường năm xưa. Đối với chúng tôi, tiếng hát ngày xưa là để át tiếng bom và thời đại bây giờ là để làm sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc; là tình cảm nhớ thương, biết ơn sự hy sinh to lớn của những người lính, những đồng đội; là nhân lên tình yêu với Hà Nội; là xoa dịu những cơn đau bệnh tật và những tàn dư mà chiến tranh để lại, từ đó cổ vũ mọi người sống lạc quan, vui vẻ. Tôi biết ơn vì được sống đến hôm nay, nên luôn tự dặn lòng mình phải làm gì đó để tri ân đồng đội. Chúng ta sẽ mãi khắc ghi công lao to lớn của những người lính Cụ Hồ”.

Vượt khó, mang tiếng hát làm đẹp cho đời

Bước vào ngôi nhà nhỏ nằm yên bình trên con phố Phùng Hưng, là nơi gia đình ông Nguyễn Khắc Lộc và bà Nguyễn Thị Ngọ sinh sống, cũng là “sân khấu” luyện tập của Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh mộc mạc, gần gũi về cuộc sống, công việc của họ.

Đồ nghề chỉ là vài bộ quần áo bộ đội, vài chiếc mũ cối, có thêm cây đàn ghi-ta và chiếc đàn piano đặt ở góc phòng. Trên 4 bức tường là những bức ảnh kỷ niệm về những lần Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội đi biểu diễn, những tấm bằng khen ghi nhận của các cấp chính quyền đối với sự đóng góp của họ trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Để duy trì được các hoạt động, các thành viên của Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội đã trải qua rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu thành lập, sân khấu chỉ là chiếc ván đổ bê tông rải bạt. Các thành viên trong đoàn đều không học qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về âm nhạc. Được biết, việc hướng dẫn cho các thành viên thuộc lời hay biên đạo tiết mục là do bà Nguyễn Thị Ngọ đảm nhận.

“Chúng tôi không được học âm nhạc một cách bài bản nhưng chúng tôi có khát khao cống hiến, ý chí cố gắng để khổ luyện từng ngày. Những kinh nghiệm biểu diễn vì thế cũng dày dặn hơn. Trên sân khấu đơn sơ ấy, chúng tôi đã hát cho những cựu chiến binh bằng cả trái tim mình” - bà Nguyễn Thị Ngọ kể.

Bộ quân phục của ông Nguyễn Khắc Lộc. Ảnh: Quỳnh Chi

Bộ quân phục của ông Nguyễn Khắc Lộc. Ảnh: Quỳnh Chi

Không gian giản dị nuôi dưỡng đam mê của vợ chồng ông Nguyễn Khắc Lộc và bà Nguyễn Thị Ngọ. Ảnh: Quỳnh Chi

Không gian giản dị nuôi dưỡng đam mê của vợ chồng ông Nguyễn Khắc Lộc và bà Nguyễn Thị Ngọ. Ảnh: Quỳnh Chi

Một khó khăn nữa là vấn đề chi phí cho các hoạt động của đoàn. “Có rất nhiều thứ cần phải chi trả như tiền đi lại, tiền ăn uống, tiền thuê trang phục cho tất cả các thành viên trong đoàn. Nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau vượt qua, vẫn cười thật tươi và nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến cho cách mạng, cũng như làm đẹp cho cuộc đời bằng những thanh âm tuyệt vời của nghệ thuật. Một cuộc đời như vậy là quá đủ rồi!” - bà Nguyễn Thị Ngọ bày tỏ.

Biểu diễn những ca khúc cách mạng sống mãi với thời gian như “Linh thiêng Việt Nam”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, “Qua miền Tây Bắc”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… các thành viên của Đoàn Văn công Trường Sơn đã tạo nên không khí thiêng liêng, hào hùng và xúc động cho khán giả.

Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội có nhiều buổi biểu diễn dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Quỳnh Chi

Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội có nhiều buổi biểu diễn dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Quỳnh Chi

Chăm chú lắng nghe và cảm nhận buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội, hai sinh viên Hồng Hạnh và Thanh Trúc đến từ Đại học Kinh tế quốc dân không khỏi xúc động và tự hào. Bạn Hồng Hạnh chia sẻ: “Nghe những ca khúc được thể hiện bởi chính những người lính chiến trường năm xưa, chúng em càng cảm thấy rất trân trọng và biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh cho chúng em được sống trong hòa bình hôm nay. Là thế hệ trẻ, chúng em sẽ cố gắng phát triển học tập, phát triển tài năng cũng như trau dồi phẩm chất đạo đức, để xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn”.

Bà Bùi Thị Mai (SN 1944, ở Hòa Bình) ấn tượng với những ca khúc viết về Hà Nội do Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội biểu diễn. Bà cho biết: “Những năm tháng hào hùng của quân và dân Thủ đô trong kháng chiến được các thành viên Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội tái hiện đầy màu sắc và dạt dào cảm xúc. Tôi rất xúc động khi chứng kiến một Thủ đô từ mất mát, đau thương, đến một Thủ đô hòa bình như hôm nay”.

Với sự nhiệt huyết cống hiến suốt những năm qua, Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa những thông điệp tốt đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một đẹp giàu.

Các khán giả chăm chú xem Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội biểu diễn.

Các khán giả chăm chú xem Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội biểu diễn.

Hai sinh viên Hồng Hạnh và Thanh Trúc đến từ Đại học Kinh tế quốc dân không khỏi xúc động và tự hào khi lắng nghe những ca khúc cách mạng. Ảnh: Quỳnh Chi

Hai sinh viên Hồng Hạnh và Thanh Trúc đến từ Đại học Kinh tế quốc dân không khỏi xúc động và tự hào khi lắng nghe những ca khúc cách mạng. Ảnh: Quỳnh Chi

Bà Bùi Thị Mai ấn tượng với những ca khúc viết về Hà Nội do Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội biểu diễn. Ảnh: Quỳnh Chi

Bà Bùi Thị Mai ấn tượng với những ca khúc viết về Hà Nội do Đoàn Văn công Trường Sơn Hà Nội biểu diễn. Ảnh: Quỳnh Chi

Khán giả nhí chăm chú xem chương trình. Ảnh: Quỳnh Chi

Khán giả nhí chăm chú xem chương trình. Ảnh: Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mai-khac-ghi-cong-lao-to-lon-cua-nhung-nguoi-linh-cu-ho-397657.html