'Mai một'... lời ăn, tiếng nói

'Mất gì một nụ cười, một câu chào hỏi?' – Mới đây, NSND Hồng Vân đã chia sẻ quan điểm của mình như thế khi nói về những trường hợp nghệ sĩ trẻ ngoảnh mặt làm ngơ lúc gặp các nghệ sĩ thế hệ trước.

NSND Hồng Vân. Ảnh Internet.

NSND Hồng Vân. Ảnh Internet.

Câu nói của bà thật đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có lẽ không khỏi khiến bao người phải đỏ mặt khi giật mình nhìn lại cách ứng xử của mình với bậc tiền bối bấy lâu nay.

Nhắc nhớ lại cách ứng xử trong giới nghệ thuật – đặc biệt là kịch hát dân tộc, cách đây quãng mấy chục năm trước, những người truyền dạy nghề cho thế hệ sau luôn được gọi là thầy bà: Thầy bà của nghệ thuật tuồng, thầy bà của nghệ thuật chèo, thầy bà của nghệ thuật cải lương... Đấy là cách gọi tôn kính để những người học trò bày tỏ lòng biết ơn với “thần tượng” đã truyền nghiệp tổ cho mình.

Sự biết ơn và trân quý này chẳng phải chỉ khi thầy bà còn sống mà ngay cả khi thầy bà đã khuất núi vẫn có người ngưỡng vọng thành kính.

Không riêng gì với những thầy bà trực tiếp truyền dạy nghề mà cứ hễ là thế hệ đi trước thì luôn được thế hệ sau kính trọng như thế. Chính vì vậy, cách ứng xử của họ luôn là sự kính cẩn, phép tắc, có nền nếp trên dưới chứ chẳng bao giờ dám hỗn hào, ngó lơ ngó láo...

Thế nhưng, cái nền nếp ấy dường như càng ngày càng bị... “mai một” trong giới nghệ sĩ trẻ hôm nay, khi giờ đây không hiếm gì những câu chuyện kể về nghệ sĩ trẻ này ăn nói kẻ cả, thô tục với nghệ sĩ đàn anh, nghệ sĩ trẻ kia phớt lờ chuyện chào hỏi bậc tiền bối...

Càng buồn hơn về cách ứng xử không lấy gì là văn minh, lịch sự đó phổ biến đến nỗi nhiều bậc tiền bối đành cười xòa cho qua hoặc có khi giận tím ruột mà chẳng thể giãi bày.

Có nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho sự “mai một”... lời ăn tiếng nói ở nghệ sĩ trẻ này. Thế nhưng, đừng viện cớ với cái lẽ họ sớm mắc chứng bệnh sao nên quên mất vì sao mình được tỏa sáng.

Hãy nhìn lại mà xem, ngày trước cũng có rất nhiều nghệ sĩ trẻ sớm nổi danh ngay từ khi còn được thầy bà truyền dạy nhưng họ vẫn giữ được cái cách ứng xử kính trọng, khiêm nhường với thế hệ sau đó thôi.

Cũng đừng viện cớ rằng cách ứng xử của ngày nay đã khác xưa rất nhiều, rằng cứ phiên phiến, đơn giản đừng quá rườm rà. Nhưng giữa những cái phiên phiến và đơn giản đó cũng không nên để đến nỗi chẳng thể nở một nụ cười hay cất một tiếng nói, câu chào lớp đàn anh, đàn chị, thậm chí là những bậc ông bà, chú bác khi chạm mặt ở đâu đó?

Rồi thì, ngẫm đi, ngẫm lại, xã hội ngày càng văn minh thì ứng xử giữa con người với con người càng cần gieo lại những niềm vui, niềm hạnh phúc, nhất là với những người nghệ sĩ được đặt lên vai sứ mệnh sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật để thanh lọc tâm hồn kia mà?

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/mai-mot-loi-an-tieng-noi-4070423-b.html