Mái nhà chung cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt
Chúng tôi tới Trung tâm công tác xã hội tỉnh đúng vào dịp các em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sống ở trung tâm đang tập trung chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới, năm học 2023 - 2024. Sau kỳ nghỉ hè, như bao bạn bè đồng trang lứa, các em cũng háo hức, phấn khởi chờ đón ngày tựu trường cùng niềm vui gặp lại thầy cô, bạn bè trong tiếng trống trường giòn giã.
Chúng tôi tới Trung tâm công tác xã hội tỉnh đúng vào dịp các em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sống ở trung tâm đang tập trung chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới, năm học 2023 - 2024. Sau kỳ nghỉ hè, như bao bạn bè đồng trang lứa, các em cũng háo hức, phấn khởi chờ đón ngày tựu trường cùng niềm vui gặp lại thầy cô, bạn bè trong tiếng trống trường giòn giã.
Được biết, hiện nay Trung tâm công tác xã hội tỉnh đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hơn chục cháu thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của Nhà nước, gồm: 1 cháu đang học đại học năm thứ 3, hai cháu vừa trúng tuyển đại học năm học 2023-2024, 3 cháu học THPT, 1 cháu học THCS, 4 cháu học tiểu học, một cháu bé sơ sinh, một cháu bị nhiễm HIV đang được gửi chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập tại Trung tâm cai nghiệm số 2 Hà Nội; 2 cháu khuyết tật. Những năm qua, khắc phục mọi khó khăn, cán bộ viên chức, người lao động trung tâm thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em trong độ tuổi được tới trường, dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Sống ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh được hơn chục năm, từ lâu, em Lương Thị Mai đã coi Trung tâm công tác xã hội là nhà, là gia đình của mình. Hoàn cảnh của Mai rất đáng thương, bố em mất sớm, mẹ em bị bệnh thần kinh, từ nhỏ Mai đã vào sống ở trung tâm. Được sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ bảo, động viên của các cô, các chú, các bác ở trung tâm, những năm qua, Mai luôn nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện. Khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mặc cảm, tự ti thành tích học tập của Mai rất đáng nể. Mai từng giành giải Nhất môn Sinh học lớp 8, kỳ thi học sinh giỏi huyện Kim Bảng; giải Ba môn Lịch sử lớp 10, lớp 11 kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trò chuyện với chúng tôi, Mai nhỏ nhẹ nói: Vào sống ở trung tâm đã nhiều năm, em luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, chỉ dạy tận tình của các bác, cô, chú. Với em trung tâm chính là mái nhà, trong đó các bác, cô, chú ở trung tâm giống như những người thân; các bạn sống cùng như anh chị em trong cùng một gia đình. Ở trung tâm ngoài giờ lên lớp, em còn thường xuyên lên thư viện tự nghiên cứu, học tập thêm. Ước mơ sau này của em là được trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, sau này sẽ trở thành một phiên dịch viên, trở thành người có ích cho xã hội...
Các cháu ở trung tâm tự giác ôn bài ở nhà. Ảnh: Chu Bình
Chuẩn bị nhập học Trường Đại học Mở, Khoa Công nghệ thực phẩm, Phạm Thu Hường rất hồi hộp và háo hức. Vào sống ở trung tâm từ khi mới 6 tuổi (mẹ mất sớm, bố bị đi tù), sau quá trình dài được chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ dạy, học tập... đến nay Hường đã trở thành một tân sinh viên đầy khát vọng và hoài bão. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 em đạt 9 điểm môn Ngữ văn. Hường tâm sự: Em chọn Khoa Công nghệ thực phẩm là nhờ các chị trước kia từng sống ở trung tâm giờ đang công tác ngoài xã hội hướng dẫn, tư vấn. Sắp phải xa rời trung tâm, sống ở môi trường mới em sẽ rất nhớ các cô, chú, bác, các bạn ở nơi đây. Những năm qua, nhờ tình yêu thương, sự quan tâm động viên, tận tình chỉ dạy của mọi người em mới có được ngày hôm nay. Từ lâu, em luôn coi trung tâm là gia đình, là nhà của mình. Thời gian tới em sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện để không phụ lòng các cô, chú, bác ở trung tâm; sau này có thể chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ các em đang sống ở trung tâm giống như các chị đi trước chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ em bây giờ.
Cũng như Mai, Hường, sống ở Trung tâm công tác xã hội đều là các em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, rất đáng thương. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng theo đúng quy định, những năm qua, cán bộ, viên chức Trung tâm công tác xã hội còn đặc biệt quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý, thường xuyên động viên, khích lệ giúp các em vơi đi nỗi buồn, sự mặc cảm, tự ti, nỗ lực vượt khó vươn lên. Ở trung tâm, ngoài giờ lên lớp các em còn tham gia luyện tập thể dục thể thao, trồng rau xanh, chăm sóc bồn hoa cây cảnh, duy trì vệ sinh trong và ngoài phòng ở, khuôn viên trung tâm... Vào dịp 1/6, Tết Trung thu, trung tâm tổ chức liên hoan cùng các hoạt động vui chơi tập thể tạo sự đầm ấm, gắn kết giữa các em nhỏ sống tại trung tâm. Vào dịp hè, các em được hướng dẫn, dạy kỹ năng giao tiếp, kiến thức về giới tính, cách phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại tình dục...
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh cho biết: Thấu hiểu và sẻ chia những thiệt thòi mà các em nhỏ sớm phải gánh chịu, những năm qua, cán bộ, viên chức trung tâm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, tận tâm, tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ dạy, động viên các em. Trung tâm duy trì các ca trực khép kín 24/24 giờ nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vấn đề phát sinh; chú trọng chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi sát sao sức khỏe của các em; hướng dẫn các em thực hiện nền nếp, ý thức tự giác trong học tập ở trường cũng như học tập ở trung tâm.
Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu, như bao bạn trẻ khác, các em sống ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh cũng được trang bị đầy đủ quần áo đồng phục, đồ dùng học tập... để bước vào năm học mới.
Để các em có điều kiện tốt nhất trong học tập, rèn luyện, vui chơi bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tấm lòng thiện nguyện để công tác chăm sóc, quản lý và nuôi dưỡng các đối tượng nói chung, đối tượng là trẻ em ở trung tâm nói riêng ngày càng được nâng cao.