'Mái nhà chung' của học sinh dân tộc thiểu số

Thực hiện căn dặn của Bác Hồ trong ba lần về thăm, những năm vừa qua, thầy và trò Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (thuộc Ủy ban Dân tộc), nơi nuôi-dạy học sinh dân tộc thiểu số từ tỉnh Quảng Bình trở ra, đã không ngừng thi đua dạy tốt, học tốt, trở thành ngôi nhà chung, nơi ươm mầm những 'hạt giống đỏ' người dân tộc thiểu số cho đất nước.

Tám năm liên tục gần đây, 100% học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông, hầu hết các em đều tiếp tục học đại học.

Tám năm liên tục gần đây, 100% học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông, hầu hết các em đều tiếp tục học đại học.

Phát huy kết quả của gần mười năm học liên tiếp gần đây, năm học 2023-2024, 100% học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó có học sinh đạt điểm cao nhất, là thủ khoa trong kỳ thi này của tỉnh Thái Nguyên.

Trong năm học này, hơn 40 học sinh của trường được đứng trong hàng ngũ của Đảng; tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhà trường có 19 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có hai học sinh đạt giải Nhất môn Lịch sử.

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 vừa qua, 80% học sinh của trường đỗ đại học nguyện vọng I, số còn lại tiếp tục học dự bị đại học tại ngôi trường này và học đại học theo nguyện vọng II. Trong đó, nhiều học sinh thi đỗ Đại học Y Hà Nội, các học viện, nhà trường công an, quân đội, những trường tốp trên trong cả nước.

Hằng năm, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh các dân tộc giao lưu, tăng cường đoàn kết

Hằng năm, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh các dân tộc giao lưu, tăng cường đoàn kết

Tại chương trình “Tri ân và trưởng thành của học sinh lớp 12 khóa 64, niên học 2021-2024 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc” do thầy và trò nhà trường tổ chức gần đây, hơn 800 học sinh bồi hồi xúc động, nhớ lại ngày nào bỡ ngỡ bước chân vào ngôi trường mới, khai giảng trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, khó khăn sau dịch, được các thầy, cô giáo tận tình nuôi-dạy, chỉ bảo, bạn bè thuộc các dân tộc khác nhau đoàn kết, thương yêu nhau dưới mái trường, sau ba năm trưởng thành, bước vào đại học, đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ ở quê nhà.

Em Triệu Thị Nương, đại diện học sinh khóa 64 chia sẻ: “Ở Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, chúng em đều coi ký túc xá là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em. Trên bước đường đời của mình, chúng em mãi nhớ sự dìu dắt, ân tình nuôi dạy của các thầy, cô giáo”. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Triệu Thị Nương thi đỗ Đại học Y Hà Nội.

Những năm qua, nhà trường đã nuôi-dạy hơn 50 nghìn học sinh dân tộc thiểu số từ tỉnh Quảng Bình trở ra. Những năm gần đây, mỗi năm học nhà trường nuôi-dạy hơn 2.000 con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều em là người dân tộc rất ít người, có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Hiệu trưởng Lục Thúy Hằng cho biết: “Bằng tình thân ái đã được vun đắp, với sự kết nối của nhà trường, hằng năm, các thế hệ cựu học sinh nhà trường luôn dành những suất học bổng, hỗ trợ việc làm, nâng đỡ học sinh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là một trong những trường giàu truyền thống, thành tích dạy và học tốt, học sinh ngoan, chăm chỉ nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Năm học 2024-2025 bắt đầu, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đón nhận tin vui, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm sự nghiệp đào tạo con em đồng bào các dân tộc, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường được đầu tư 300 tỷ đồng để trang bị các phương tiện dạy và học, xây mới và sửa chữa hệ thống ký túc xá, hạ tầng, cảnh quan trong trường.

Nhà trường vừa đón 600 học sinh mới là con em các dân tộc thiểu số, bắt đầu vào học từ lớp 10. Mới vào trường, các em đang được các thầy, cô giáo, cán bộ nhà trường dạy bảo tinh thần đoàn kết, kỹ năng trong môi trường tập thể, nội trú, sinh hoạt sạch sẽ, gọn gàng, kỷ luật, tự giác trong học tập, rèn luyện để tiếp nối truyền thống dạy tốt, học tốt, nền nếp của nhà trường.

NGUYỄN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mai-nha-chung-cua-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-post827884.html