Mái nhà xưa trong bão
Quê tôi có đủ bốn mùa trong năm. Từ giữa hạ sang thu, năm nào cũng là khoảng thời gian có bão. Ngôi nhà tuổi thơ tôi lợp bằng mái rạ. Nếu như phần ngọn của cây lúa chín gọi là rơm thì phần gốc là rạ; lợp nhà phải dùng rạ vụ mùa để đủ độ cứng và bền. Năm nào cũng vậy, thu hoạch vụ mùa xong là cha tôi tính đến chuyện dặm vá mái để chuẩn bị chống chọi với mưa, bão. Khoảng bốn đến năm năm, mái rạ được thay mới một lần.
Tôi nhớ những mái nhà cũ, rạ từ màu vàng nâu đã chuyển sang đen sậm; mưa gió làm mái cùn mòn và mục nát. Những dịp mưa dai dẳng, từ mái nhà mọc lên từng vạt nấm rạ, loại nấm không ăn được, gầy guộc, buổi sáng còn trắng nõn nà, qua trưa đã chuyển sậm màu và đến tối thì hoàn thành một vòng đời. Khi những vạt nấm xuất hiện là dấu hiệu nhắc chủ nhà phải lợp lại mái. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ rạ để lợp nhà. Rạ còn dùng để nấu cơm, lót ổ lợn, làm phân chuồng… Bởi vậy, một đống rạ cao lừng lững trong vườn nhà cũng tựa như một tiêu chí đánh giá mức độ kinh tế của một gia đình. Và mưa bão thường hay làm khó; mưa bão luôn chọn những mái rạ mọc nấm để thỏa thuê đam mê dỡ mái của mình.
Nhớ những đêm mưa bão, ban đầu là lộp bộp tiếng mưa, tiếng gió rít và khành khạch cười trong vườn chuối. Rồi những lá chuối bị xé rách mướp ra thành sợi cũng là lúc gió thổi nghe hun hút, ù ù. Gió lùa vào mái rạ, bốc mỗi chỗ một nắm hay một mảng, rắc ra chỗ này, bỏ ra chỗ kia tứ tán. Đêm gió bão trời đen đặc, không điện, chẳng thể thắp đèn dầu, gia đình chúng tôi co cụm trong không gian bé nhỏ của mình và cảm nhận mảng thủng trên mái nhà qua những lỗ dột làm nước mưa lạnh tạt xuống từ trên cao. Những khi ấy, mẹ tôi thường huy động hết mọi đồ vật trong nhà phục vụ cho “nhiệm vụ” chống dột.
Bão gió như một người đàn ông lực lưỡng, vốn trầm tĩnh nhưng vui bạn, trót quá chén mèm say nên nổi cơn thịnh nộ; tỉnh rượu lại thui thủi làm lành. Bởi vậy, dẫu có ồn ào khốc liệt nhưng bão đến nhanh rồi cũng vội đi. Thường bão chỉ tàn phá trong đêm rồi sáng mai bỏ đi sớm chỉ để lại gió mát cùng một ít mưa nhẹ rây rây.
Quang cảnh làng xóm buổi sáng sau bão luôn ngổn ngang cây, lá và rơm rạ của những mái nhà tốc mái. Vài ngôi nhà cũ bị bão kéo sập nhưng tôi nhớ, chưa bao giờ thấy thương vong. Có lẽ một phần nguyên nhân bởi quê tôi xa biển, mức độ khốc liệt của bão đã giảm nhiều. Ưu tiên đầu tiên của mọi nhà là trồng dựng lại cây cối trong vườn. Những khóm chuối bật rễ, những gốc cam, gốc bưởi đổ nghiêng được chăm bón và chống dựng ngay ngắn sớm nhất, để Tết đến con cháu có đĩa hoa trái vườn nhà sắm sửa nơi ban thờ tưởng nhớ tổ tiên.
Nhưng trẻ con bồng bột, ngây thơ thường… thích bão. Đang mùa hè nóng bức lại hay đi giang nắng nên đứa nào cũng rôm sảy mọc khắp người, da dẻ sần lên mẩn đỏ. Bão đến, mang theo mưa rào và gió lộng làm không khí mát mẻ, chỉ một ngày nhìn lại thấy đứa nào đứa nấy đã trở lại mịn màng. Tan bão, cả bọn đội mưa, ở trần đi xét cá rô. Những chú cá rô tầm sét béo mầm, vàng ươm, trốn kỹ lâu ngày dưới ao bèo, gặp mưa bão vì mừng nước nên lóc lên bờ, kẹt trong những bụi tre, bụi cỏ, vườn rau chẳng thể nào lọt khỏi tầm mắt của đám trẻ con. Để buổi trưa, từ những gian bếp trống trước, hở sau là lựng thơm mùi canh cá rô rau tập tàng mới nấu.
Bão đến, trẻ con có vài ngày được nghỉ học để phụ huynh và thầy cô dọn dẹp sân trường, sửa sang lớp học. Những ngày ấy, dù phải phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, đồng áng nhưng đứa nào cũng mắt trước mắt sau rủ nhau đi đá bóng. Ngày thường, bóng là lá chuối khô được gói ghém và chằng buộc nên méo bên này, lồi bên nọ; khi đá, bóng vừa lăn vừa nẩy chồm chồm nên kết thúc trận đấu, chân đứa nào cũng ê ẩm đau. Nhưng sau bão, bóng là những trái bưởi tròn căng rụng đầy vườn mà ngày thường, với lũ trẻ quê chỉ là nỗi thèm vụng ước ao. Lúc nghỉ ngơi, lại chụm đầu quanh chiếc rổ tre với đủ loại trái khế chua, ổi găng, táo non mới bị bão dứt khỏi cành.
Cha tôi thường đi lợp, sửa nhà giúp hàng xóm. Bởi ông khéo tay, nhiều sáng kiến và bởi tính cha là vậy, nhân hậu, thân ái với tất cả mọi người. Mà cũng vì xóm có nhiều hộ neo đơn hay cũng bởi mẹ luôn ủng hộ những việc làm của cha còn mẹ cùng các anh tôi vẫn… thừa khả năng leo lên, xử lý mái nhà dột của gia đình mình. Dẫu có thiệt hại, khó khăn và vất vả nhưng chưa bao giờ bão làm chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi đi qua bão, đơn giản như chấp nhận một quy luật của thời tiết, quen nên thấy nhẹ nhàng. Cứ như thế, những mùa hạ, mùa thu đi qua tuổi thơ và chúng tôi trưởng thành thêm sau mỗi mùa mưa bão. Quê tôi bây giờ, như mọi làng quê trên đất nước này đã vắng bóng mái nhà tranh. Rạ, rơm đã hoàn thành sứ mệnh một thời, dẫu mùa về vẫn hực vàng như nắng nhưng bỏ không đầy đồng; cuộc sống đã đổi thay, chẳng còn ai quan tâm đến cọng rơm, ống rạ, chẳng còn những đống rơm sừng sững trong vườn nhà. Nhưng gió bão, mỗi hè lại thu sang, theo thói quen, gió bão vẫn tìm về, quần thảo trên cánh đồng, quét qua làng quê tôi. Bão có phá cây, đập lá thì cuối năm, mâm cỗ cúng gia tiên vẫn ngũ quả đủ đầy; đã thông thương mọi miền, lo gì một mâm ngũ quả. Không tìm ra những mái tranh để bốc, dỡ và thét gào, gió mưa bất lực trước những cửa nhà đóng kín, kiên cố và sáng đèn.
Giờ tôi ở nơi này, mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, cảm nhận về bão gió không rõ ràng như thuở trước. Mảnh đất hiền hòa, xa biển khơi, bão gió chạm đến cũng đã dịu nhiều. Nhưng mỗi mùa bão về, tôi vẫn nhớ mái nhà và cơn bão khi xưa. Nhớ dáng mẹ mảnh mai và dáng anh gầy nhẳng vắt vẻo trên nóc nhà. Nhớ cha cặm cụi chống, chèn, chặt bớt lá cho bụi chuối bên đống rạ thuở nào. Nhớ nụ cười vỡ òa của chúng bạn khi trái bóng bưởi vào gôn. Nhớ mùi canh cá rô rau tập tàng và bát cơm nghi ngút khói người chị vén khéo của tôi vừa hoàn thành nơi căn bếp ướt. Nhớ và nhớ, để nhắc mình về hạnh phúc hôm nay...