Mai nở sớm, người trồng lo thất thu

Khoảng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhưng hiện nhiều vườn mai trong tỉnh Kiên Giang đã đua nhau nở rộ, khiến người trồng mai như ngồi trên đống lửa.

Theo các hộ dân trồng mai, năm nay thời tiết bất thường khiến nhiều cây trong vườn rụng lá, bung nụ, kể cả người có thâm niên nhiều năm trồng mai cũng “bó tay”. Một số nhà vườn dùng lưới lan che cho mai nhằm hạn chế tác động của thời tiết hoặc lặt bỏ những nụ đã trổ sớm.

Tại TP. Hà Tiên (Kiên Giang), vườn mai hơn 8.000 gốc của bà Ngô Thị Thanh Thủy, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức có lác đác vài gốc trổ bông sớm.

Bà Thủy cho biết: “Tỷ lệ mai nở sớm trong vườn nhà tôi năm nay ít nên không đáng ngại. Đối với những cây nụ đã trổ to, tôi lặt bỏ để cây dành dinh dưỡng cung cho những nụ nhỏ hơn sẽ nở đúng dịp tết”.

Ông Đặng Văn Cường (65 tuổi), ngụ ấp Tân Điền, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành cho biết, mỗi mùa tết, ông thu khoảng 20 triệu đồng từ vườn mai của gia đình.

“Hiện vườn nhà tôi có 40 gốc mai 5 năm tuổi và 1.000 gốc mai 1-2 năm tuổi. Năm nay mưa dứt muộn, thời tiết nắng nóng bất thường nên vườn mai đã trổ bông khoảng 50%. Tết này coi như thất thu”, ông Cường nói.

Bà Ngô Thị Thanh Thủy (bên phải), ngụ phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) bên vườn mai của gia đình.

Bà Ngô Thị Thanh Thủy (bên phải), ngụ phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) bên vườn mai của gia đình.

Để tránh tình trạng mai trổ sớm, nghệ nhân Trương Văn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa có buổi tư vấn cho nhà vườn tại lớp dạy nghề trồng hoa kiểng do Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang tổ chức mới đây.

Ông Hoàng cho biết: “Mai chăm sóc cả năm chỉ đợi thời khắc đơm bông ngay 3 ngày tết. Do đó, ngay sau khi chơi tết vừa xong, người trồng mai phải bón phân thúc cành để trẻ hóa cây. Về bón phân, chia ra mỗi quý bón 1 đợt, trong 2 đợt đầu cần bón phân hữu cơ humic và DAP để cây phát triển. Đến tháng 7, nếu mai chưa có nụ thì bón phân 16-16-8 hoặc 20-20-15 để cây đứng đọt lại và làm nụ. Qua tháng 10 tiến hành bón phân đạm dưỡng lá để lá không bị rụng giữa tháng 11 nhằm tránh tình trạng mai nở sớm”.

Theo ông Hoàng, từ tháng 11 trở đi, người trồng mai cần duy trì việc tưới nước đều đặn, không để mai thiếu nước khi gặp mưa trái mùa sẽ dễ bị rụng lá dẫn đến nở sớm. Ông Hoàng lưu ý, trước khi lặt lá mai, người trồng cần kiểm tra nụ để chọn thời điểm lặt lá thích hợp.

“Bước qua tháng 12, nếu nụ mai to bằng hạt gạo, người trồng cần lặt lá từ ngày 12-13 tháng chạp, khi nụ bằng hạt đậu xanh thì lặt lá từ ngày 15-16 tháng chạp. Trường hợp nụ mai đã trổ đều kín cây và to bằng hạt đậu đen nên lặt lá vào ngày 20, 21 tháng chạp để đến ngày 23, 24 tháng chạp mai bung vỏ trấu, khi ấy mới trổ đúng tết như mong đợi”, ông Hoàng nói.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/mai-no-som-nguoi-trong-lo-that-thu-12042.html