Mãi sáng ngời niềm tin
Dù trong mưa bom, bão đạn, giữa lằn ranh sinh-tử mong manh hay khi bị địch bắt, bị thương và cho đến tận hôm nay, sau 50 năm đất nước thống nhất, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh vẫn luôn tin vào Đảng, vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), Báo Quân đội nhân dân chia sẻ tâm sự của một số cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
* Trung tướng VŨ VĂN KIỂU, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam):
Thế hệ tương lai sẽ viết nên những trang sử mới
Rạng sáng 21-3-1975, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) nổ súng tiến công mở màn Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Lần lượt 11 giờ, 16 giờ, ta tiêu diệt địch và chiếm lĩnh điểm cao 560, dãy Kim Sắc thuộc huyện Phú Lộc, TP Huế. Đêm hôm đó, Sư đoàn được lệnh đánh chiếm Đường 1, khống chế không cho địch cơ động từ Đà Nẵng ra Huế và ngược lại. Thời điểm này, tôi là Trợ lý Tác chiến Sư đoàn 325 nhưng cũng không hiểu thời cơ đến như thế nào. Sau này trưởng thành, làm công tác nghiên cứu, tôi mới thấy hết giá trị của nắm thời cơ cũng như ý thức chấp hành, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao.
Nhiều lần cùng đồng đội trở lại thăm đơn vị cũ, chúng tôi rất vui mừng vì doanh trại khang trang, cảnh quan đẹp, thao trường huấn luyện hiện đại... Tôi luôn tâm niệm thế hệ chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân giao phó là “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và mong muốn thế hệ hôm nay hãy gắng sức kiến thiết, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cùng với tài năng, sự năng động và nhiệt huyết, thế hệ trẻ hôm nay hãy luôn đoàn kết, quyết tâm, nắm chắc thời cơ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt những bài học kinh nghiệm vào thực tế công việc, cuộc sống. Tôi tin rằng, thế hệ tương lai sẽ viết nên những trang sử mới của đất nước.
* Thương binh ĐỖ ĐĂNG KHUÂY, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình:
Hy sinh xương máu của tôi không vô nghĩa!
Năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và trở thành chiến sĩ trinh sát của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34). Năm 1971, khi tham gia tiến công căn cứ địch trên điểm cao thuộc huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào), tôi bị trúng đạn pháo. Hai cánh tay dưới và một bên mắt của tôi vĩnh viễn để lại chiến trường. Rất lâu sau khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang được 3 đồng đội khênh trên cáng vượt rừng về bệnh viện dã chiến. Đường núi hiểm trở nhưng đồng đội tôi không dám nghỉ ngơi một giây phút nào vì tôi bị thương nặng và mất nhiều máu. Sau gần một ngày vượt rừng, tôi được cấp cứu mổ cắt tay tại Đội điều trị 17, mặt trận Nam Lào. Với thương tật 91%, năm 1972, tôi được ra quân phục viên trở về địa phương. Chiến tranh đã cướp đi những phần quý giá nhất của cơ thể, nhưng tôi không muốn trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Vì thế, tôi đã nỗ lực, lạc quan, cố gắng luyện tập để có thể sinh hoạt và làm các công việc thường ngày như nấu cơm, đi chợ, rửa bát, giặt quần áo, thậm chí là đạp xe hàng trăm cây số từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức của một thời máu lửa vẫn còn mãi trong tôi. Khi chiến đấu, tôi không quan tâm đến sự sống và cái chết, chỉ biết cầm súng và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhưng nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác là được sống đến ngày hôm nay. Dù mất đi hai cánh tay dưới, một bên mắt khi vừa bước sang tuổi 23, nhưng tôi chưa từng hối hận vì còn sống, còn được nhìn thấy đất nước hồi sinh, phát triển từng ngày, thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong hòa bình, độc lập, tự do. Vì thế, tôi chưa bao giờ nghĩ những hy sinh, mất mát của mình là vô nghĩa. Cơ thể tôi tuy không còn lành lặn nhưng trái tim tôi vẫn đầy đặn, đập mãnh liệt vì Tổ quốc. Chúng tôi hiến dâng tuổi trẻ, xương máu để đổi lấy hòa bình và chỉ mong thế hệ hôm nay, mai sau mãi luôn nâng niu, gìn giữ món quà này bằng cả trái tim cùng hành động cụ thể: Học tập thật tốt, sống tử tế, đoàn kết và không ngừng vươn lên!

Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh ngày càng phát triển. Ảnh: TRỊNH NGUYỄN
* Thương binh ĐỖ VĂN THẾ, xã Tân Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định:
Trong lao tù vẫn tin có ngày độc lập, tự do
Tôi sinh năm 1944, nhập ngũ đầu năm 1964 vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (Sư đoàn 304 nay thuộc Quân khu 2). Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tôi bị đạn bắn vào cột sống và không thể đi lại. Sau khi bị thương, tôi bị địch bắt tù đày. Mỗi sáng, chúng bắt chúng tôi chào cờ nhưng tôi tuyệt thực để phản kháng. Tôi quyết không cúi đầu trước lá cờ của kẻ thù, không phản bội lý tưởng mà bao đồng đội đã hy sinh để bảo vệ. Quyết tâm đó là ngọn lửa âm ỉ nuôi lớn niềm tin vào ngày độc lập, tự do trong tôi... Chiến tranh quá khốc liệt, loạn lạc, tang thương, không ai biết tung tích tôi ở đâu, tất cả cứ đinh ninh là tôi đã hy sinh. Thế rồi giấy báo tử được gửi về địa phương. Tháng 3-1973, việc trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn diễn ra sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi trở về địa phương.
Năm tháng trôi qua, tôi luôn tin và hy vọng mãnh liệt đất nước sẽ trở nên hùng cường, thịnh vượng; tin vào thế hệ trẻ-những người đang và sẽ tiếp nối hành trình xây dựng và gìn giữ Tổ quốc. Tôi nhìn thấy ở thế hệ trẻ hôm nay sự năng động, thông minh, bản lĩnh và lòng yêu nước không kém gì cha ông. Dù các cháu lớn lên trong thời bình, không còn tiếng bom rơi, đạn nổ, nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách mới. Thử thách của hội nhập, của chuyển đổi công nghệ, của gìn giữ bản sắc văn hóa giữa một thế giới luôn đổi thay... Tôi chỉ mong các cháu luôn ghi nhớ rằng: Sự hy sinh của lớp người đi trước không chỉ để ca ngợi mà là để tiếp bước. Hãy sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và đất nước. Hãy giữ gìn phẩm chất của người Việt Nam kiên cường, nhân hậu, nghĩa tình và đoàn kết. Dẫu con đường phía trước có khó khăn, tôi tin thế hệ trẻ sẽ đủ trí tuệ và nghị lực để vượt qua, đưa đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Tôi đã đi gần trọn cuộc đời nhưng mỗi lần nhìn thấy ánh mắt trong trẻo và tinh thần nhiệt huyết của thế hệ trẻ, tôi lại thấy lòng mình ấm lại, đầy hy vọng.
* Đại tá MAI XUÂN KHÔI, nguyên Hệ trưởng Hệ Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng:
Người có công sẽ được quan tâm hơn nữa
Đầu tháng 3-1975, tôi đang là Thiếu tá, Phó chính ủy Trung đoàn 149 (nay là Trung đoàn 98), Sư đoàn 316, Quân khu 2 thì nhận được lệnh sẵn sàng cùng các đơn vị của Sư đoàn tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, chúng tôi tiếp tục tiến về Sài Gòn cùng với các cánh quân khác làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, lớp lớp thanh niên chúng tôi xung phong ra chiến trường, nhiều đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi, có những người may mắn trở về thì cũng để lại một phần thân thể nơi chiến trường, nhưng tất cả đều có chung suy nghĩ sẵn sàng hy sinh, chỉ mong sớm thống nhất non sông.
Trở về với cuộc sống đời thường, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước nên đời sống không ngừng được cải thiện về mọi mặt, giúp người có công và thân nhân vơi bớt khó khăn. Chứng kiến quyết tâm đổi mới, những hành động mạnh mẽ nhằm hiện thực khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh trong thời gian gần đây, tôi tin đất nước ta sẽ có những trang sử mới. Từ thành tựu chung đó, công tác chăm lo đối với người có công, thân nhân người có công... sẽ ngày càng tốt hơn nữa.
* Trung tá ĐÀO VĂN THU, nguyên Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 355, Quân khu 2:
Truyền thống vẫn đang được tiếp nối
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội cảnh vệ 23, Sư đoàn 316. Tôi còn nhớ, ngày 28-4, các đơn vị của Sư đoàn nhận lệnh tấn công các đơn vị thuộc Sư đoàn 25 ngụy tại Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng, Bầu Nâu, Trà Võ, Phước Hiệp và Đồng Chùa... Lúc này địch chống cự rất quyết liệt, khiến nhiều đồng đội của tôi hy sinh. Đau thương nhưng chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn sớm giành chiến thắng, đem lại hòa bình, thống nhất đất nước... Nhiều lần trở lại thăm đơn vị, chúng tôi rất vui mừng khi truyền thống vẻ vang đó được lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay phát huy. Họ không ngừng nỗ lực, đổi mới và đột phá trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đồng thời tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai... góp phần tô thắm thêm truyền thống đơn vị, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/mai-sang-ngoi-niem-tin-826367