Mai Sơn mở rộng mô hình thâm canh lúa hữu cơ
Thành công từ mô hình thí điểm thâm canh lúa hữu cơ năm 2021 tại 4 xã Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Mung và Chiềng Dong. Từ đầu tháng 6/2022, huyện Mai Sơn tiếp tục xây dựng dự án hỗ trợ mô hình trồng lúa hữu cơ tại 6 xã: Hát Lót, Chiềng Ban, Chiềng Kheo, Mường Bằng, Chiềng Chung và Mường Bon, với 728 hộ tham gia sản xuất 100 ha, nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Tham gia mô hình thâm canh lúa hữu cơ năm đầu tiên, 86 hộ dân bản Thạy, xã Chiềng Ban đã thay đổi thói quen sản xuất, biết áp dụng cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, quản lý dịch bệnh hại lúa bằng các biện pháp sinh học.
Ông Lò Văn Thành, Trưởng bản Thạy, chia sẻ: Ngoài các lớp tập huấn Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, 6 tổ quản lý chăm sóc cây trồng của bản thường xuyên cử thành viên nắm chắc kỹ thuật xuống đồng hướng dẫn các hộ trồng lúa áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc để đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Thâm canh lúa hữu cơ ban đầu sẽ thấy vất vả hơn, tốn công chăm sóc hơn, nhưng hiệu quả sản xuất lâu dài, bền vững.
Qua đánh giá mô hình trồng lúa hữu cơ ở Mai Sơn có nhiều ưu điểm, ít sâu bệnh hại, lúa tốt, năng suất trung bình 5,2 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha so với diện tích không trồng hữu cơ, đất đai được cải thiện rõ rệt, tiết kiệm chi phí, tạo sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Ông Cầm Văn Hòa, bản Thạy, xã Chiềng Ban, cho biết: Gia đình tôi có trên 1.000 m² trồng lúa theo hướng hữu cơ. Việc thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác, ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng qua các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và được Tổ quản lý chăm sóc cây trồng hỗ trợ về kỹ thuật đã giúp tôi nhanh chóng tiếp cận và áp dụng vào sản xuất. Gia đình tôi chỉ cần 30% thóc giống so với trước đây, việc chăm sóc, theo dõi dịch bệnh hại lúa cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ tăng chất mùn cho đất, giúp đất được cải tạo hơn nhiều so với trước.
Bản Khoa có cánh đồng lúa lớn nhất xã Chiềng Chung, với gần 12 ha. Anh Lèo Văn Quân, Trưởng bản Khoa, chia sẻ: Bản có 105 hộ đăng ký tham gia mô hình thâm canh lúa hữu cơ, dần thay đổi nhận thức về sản xuất bền vững, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, áp dụng quy tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa.
Dự án 100 ha mô hình thâm canh lúa hữu cơ được thực hiện tại các xã Hát Lót, Chiềng Ban, Chiềng Kheo, Mường Bằng, Chiềng Chung và xã Mường Bon, với 728 hộ tham gia do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp tổ chức thực hiện và quản lý dự án. Với tổng kinh phí thực hiện trên 2,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, các hộ tham gia dự án đối ứng 30%. Sau 2 tháng triển khai mô hình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức được 28 lớp tập huấn hướng dẫn cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, cách sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, các biện pháp quản lý dịch bệnh hại ở lúa... Đồng thời, cung ứng hỗ trợ 130 tấn phân bón hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình.
Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng tổ khuyến nông trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, đánh giá: Sau 2 tháng triển khai mô hình, các hộ tham gia sản xuất đã tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, một vài hộ còn áp dụng biện pháp sinh học trong xử lý sâu bệnh hại.
Bước đầu triển khai nhân rộng mô hình thâm canh lúa hữu cơ diễn ra thuận lợi, các hộ tham gia mô hình dần thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất. Để mô hình triển khai hiệu quả, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc “4 đúng”, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân xử lý sâu, bệnh hại bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ không tham gia mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tự ủ phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí sản xuất, duy trì và mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ trên toàn huyện.