Mai Sơn mở rộng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến

Xây dựng liên kết sản xuất bền vững giữa doanh nghiệp, HTX và nông hộ, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào HTX, tổ hợp tác, liên kết với các HTX sản xuất theo đơn đặt hàng, đảm bảo kế hoạch sản xuất của các nhà máy chế biến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Mô hình trồng dứa Queen tại xã Chiềng Sung cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Mô hình trồng dứa Queen tại xã Chiềng Sung cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Triển khai việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát thực địa, xác định, quy hoạch loại cây trồng phục vụ cho nguyên liệu chế biến tại các xã Mường Bon, Mường Bằng, Chiềng Sung, Phiêng Cằm, Chiềng Chung, Cò Nòi. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất, thi công 1,5 km đường từ quốc lộ 6 đến trung tâm vùng cây ăn quả cao nguyên Nà Sản, xã Hát Lót. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện tuyến đường phát triển vùng nguyên liệu từ xã Chiềng Sung đến khu công nghiệp Mai Sơn, rút ngắn quãng đường vận chuyển nguyên liệu từ 25 km, xuống còn 11 km.

Năm 2022, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiếp tục ký hợp đồng liên kết sản xuất ngô ngọt với Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung; ký hợp đồng trồng đậu tương rau với hợp tác xã Trung Hiếu; trồng chanh leo với hợp tác xã Quỳnh Nghĩa; rau chân vịt với tổ hợp tác của bản Mé xã Chiềng Sung; ký hợp đồng sản xuất chanh leo với các tổ liên kết sản xuất chanh leo bản Phiêng Khàng, Nà Nhụng, Pá Tong, xã Phiêng Pằn và tổ liên kết sản xuất chanh dây bản Cang Mường, xã Mường Chanh. Đến nay, toàn huyện đã có gần 400 ha chanh leo, ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt và dứa Queen, trong đó hơn 170 ha sản xuất có liên kết sản xuất giữa Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Hiện, Công ty đã thu mua trên 1.000 tấn rau, củ quả các loại.

HTX hữu cơ Trung Hiếu, bản Cang B, xã Chiềng Sung liên kết sản xuất ngô ngọt và đậu tương rau cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Anh Hoàng Quốc Việt, Phó Giám đốc HTX thông tin: HTX làm việc trực tiếp với doanh nghiệp về nhu cầu sản xuất, thỏa thuận về giá bao tiêu nông sản. Trên cơ sở đó, tổ chức họp thành viên HTX và các hộ dân về kế hoạch, giá cam kết thu mua để các hộ đăng ký tham gia sản xuất. Năm nay, HTX đã liên kết với 300 hộ dân địa phương để triển khai trồng 70 ha đậu tương rau, 20 ha ngô ngọt cho Công ty và liên kết sản xuất 120 ha đậu tương rau cho Công ty TNHH MTV nông sản Hải Dương. Việc liên kết sản xuất được duy trì bảo đảm lợi ích cho đôi bên cùng có lợi, HTX tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia liên kết, đồng thời hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm để các hộ sản xuất.

Mai Sơn cũng đã tổ chức các hội nghị bàn giải pháp phát triển một số cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, gồm: Cà phê, mắc ca, cây sắn, xoài, nhãn, ngô, na và dâu tây, có sự tham gia của 18 doanh nghiệp và HTX. Phối hợp với Công ty cổ phần cà phê Minh Tiến khoanh vùng hỗ trợ triển khai 28,3 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao tại các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Mường Chanh; Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La hỗ trợ mô hình trồng thâm canh sắn cao sản giống mới 5 ha tại các xã Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Chiềng Chăn, Tà Hộc; Công ty TNHH MTV Đạt Thủy liên kết trồng mới gần 110 ha cây mắc ca... Đến nay, toàn huyện có hơn 4.500 ha sắn, trên 6.500 ha cà phê, 5.600 ha mía, 456 ha cây ngô giống và trên 300 ha cây mắc ca... Với 8 cơ sở chế biến cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân.

Ông Dương Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy cho biết: Liên kết sản xuất, mở rộng vùng trồng mắc ca phục vụ chế biến, xuất khẩu, Công ty cam kết phân phối, cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với các hộ liên kết trồng mắc ca. Quá trình trồng và chăm sóc, Công ty cử cán bộ xuống các xã tập huấn, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây mắc ca, hướng dẫn phân loại sản phẩm mắc ca xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu sản xuất năm 2023, có khoảng 700 ha vùng nguyên liệu dứa, chanh leo và ngô ngọt cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, huyện Mai Sơn đang vận động nông dân, các HTX liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn đối với các nông sản chế biến khác; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-mo-rong-vung-nguyen-lieu-cho-nha-may-che-bien-53220