Mải theo số lượng, bỏ quên chất lượng
Có thể nói, năm 2019 là một năm thành công với điện ảnh Việt Nam khi có tới hơn 40 bộ phim ra rạp và lần đầu tiên phim 'Hai Phượng' đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ. Tiếp nối tinh thần ấy, năm 2020 vẫn được dự đoán là năm sôi động với điện ảnh Việt Nam về mặt số lượng...
Vượt trội về số lượng, đa dạng về đề tài, lại có cả kỳ nghỉ Tết để thu hút khán giả nhưng một số bộ phim ra mắt đầu năm 2020 lại không có được doanh thu như kỳ vọng. Chưa nói tới, có phim vừa ra mắt đã bị xếp vào hàng... thảm họa rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Điều đó cho thấy, dù thị trường điện ảnh trong nước có sôi động và tiềm năng đến mấy nhưng các nhà làm phim không mang đến những tác phẩm điện ảnh có giá trị thì vẫn khó chinh phục khán giả.
Có thể nói, năm 2019 là một năm thành công với điện ảnh Việt Nam khi có tới hơn 40 bộ phim ra rạp và lần đầu tiên phim "Hai Phượng" đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ. Tiếp nối tinh thần ấy, năm 2020 vẫn được dự đoán là năm sôi động với điện ảnh Việt Nam về mặt số lượng.
Ngay trong khoảng thời gian đầu năm mới này đã có khoảng 15 phim công chiếu hoặc lên lịch công chiếu. Ngoài ra, các bộ phim đang sản xuất, sắp xong và xếp hàng chờ ra rạp cũng đã lên tới con số hơn 30 phim. Như vậy, cho tới thời điểm này đã thấy có khoảng gần 50 bộ phim chuẩn bị ra mắt trong năm 2020.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona gây nên nhưng thị trường điện ảnh đầu năm 2020 được đánh giá là khá thuận lợi cho phim Việt khi có hẳn một mùa phim Tết để thu hút khán giả. Ngoài ra, các phim Việt ra rạp trong dịp Tết năm nay không phải cạnh tranh với bất cứ bộ phim bom tấn của nước ngoài nào.
Bên cạnh bộ phim đã công chiếu như "30 chưa phải là Tết", "Đôi mắt âm dương", "Bí mật đảo Linh xà", "Tiền nhiều để làm gì"... thì một loạt phim đã có lịch ra mắt trong thời gian tới: "Gái già lắm chiêu" (7 - 2), "Sắc đẹp dối trá" (21 - 2), "Thiên đường" (28 - 2), "Nắng 3: Lời hứa của cha" (6- 3), "Chị Mười Ba" (27 - 3)...
Ngoài ra là không ít những phim cũng đang trong quá trình sản xuất. Trong số đó phải kể tới "Thanh Sói" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Sau thành công của "Hai Phượng", đây tiếp tục là dự án được khán giả chờ đợi sẽ làm nên chuyện ở dòng phim hành động. Sự nhiệt huyết của Ngô Thanh Vân với "Thanh Sói" dường như còn Trương Ngọc Ánh tự tin sản xuất "Hương Ga" phần 2 (đạo diễn: Cường Ngô) sau 5 năm ra mắt phần 1. Lý Hải góp tên trong danh sách những bộ phim hành động bằng "Lật mặt: 48 giờ" với lịch ra mắt vào dịp 30 - 4. "Chị Mười Ba 2: Ngày sinh tử" cũng là tác phẩm hành động tiếp theo được thực hiện sau khi phần đầu ra mắt thành công. Có thể nói, năm 2020 sẽ đánh dấu một năm sôi động của dòng phim hành động khi một số phim mới đã được công bố ra rạp trong năm tới như "578 movies', "Sắc đẹp dối trá", "Võ sinh đại chiến"...
Bên cạnh dòng phim võ thuật, điện ảnh 2020 còn có sự góp mặt của những bộ phim cổ trang như "Trưng Vương" (do Trương Ngọc Ánh đồng sản xuất cùng cộng sự Việt Kiều Janet Ngô) kể về cuộc đời của hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Dự án phim "Kiều" của nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận khi đây là bộ phim được cô ấp ủ suốt 10 năm. "Sơn Tinh Thủy Tinh", "Trạng Tí" (từ truyện tranh Thần đồng đất Việt)... cũng khiến dòng phim cổ trang quay lại sau một thời gian vắng bóng.
Phim kinh dị cũng là thể loại thu hút sự tham gia của không ít nhà làm phim. Dự kiến trong năm 2020, khán giả sẽ được thưởng thức "Bóng đè" của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Đây cũng là đạo diễn luôn hứng thú và bền bỉ với thể loại phim kinh dị nhất khi hầu hết các bộ phim ra mắt trước đây của đạo diễn này đều thuộc thể loại này như "Ngôi nhà trong hẻm", "Chama", "Thất sơn tâm linh", "Bắc Kim Thang"...
Không thể phủ nhận, dòng phim kinh dị luôn là một thách thức không nhỏ với các đạo diễn vì thực hiện khá vất vả nhưng ít phim khiến khán giả hài lòng. Năm 2020 được đánh giá là năm mà các nhà làm phim quyết tâm chinh phục thể loại phim này. Đã có phim ra mắt như "Đôi mắt âm dương". Còn lại khán giả có thể đón xem "Vô diện sát nhân", "Kup bê: Tiếng khóc vong nhi" trong thời gian tới.
Dòng phim remake cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2020 với "Người quen xa lạ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đây là dự án phim "remake của remake" vì trước đó, điện ảnh Hàn Quốc đã từng làm lại từ bản gốc của điện ảnh Italia.
Những bộ phim kết hợp giữa yếu tố tình cảm lãng mạn và hài hước hay kinh dị, hành động tạo chưa bao giờ vắng ở bất kỳ thời điểm nào năm nay cũng có với "Thiên đường", "Chiến dịch chống ế", "Gái già lắm chiêu 3", "Tiền nhiều để làm gì?"... Dòng phim Nhà nước đặt hàng cũng có những đại diện như "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Lính chiến" và sự tái xuất của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh với bộ phim độc lập "Hoa nhài"...
Có thể nói, với gần 50 phim sẽ ra mắt trong năm 2020 đã cho thấy thị trường điện ảnh vô cùng sôi động. Khán giả sẽ có cơ hội được thưởng thức các bộ phim với nhiều đề tài, phong cách khác nhau. Tuy nhiên, một số bộ phim ra rạp vào dịp Tết - tức là thời điểm vàng nhưng chưa có phim nào đạt được doanh thu như kỳ vọng.
Ngoài một số lý do khách quan như thời tiết đầu năm không thuận lợi, nỗi lo dịch bệnh... thì nguyên nhân quan trọng là chưa có bộ phim nào thật sự xuất sắc. Nếu không muốn nói có phim vừa ra mắt đã bị xếp vào danh sách thảm họa. Ở các phim chiếu Tết, các nhà làm phim mải chạy theo mô típ quen thuộc gần đây là "Hài hước + tình cảm gia đình" như "Siêu sao siêu ngố", "Cua lại vợ bầu" nhưng kịch bản yếu nên không thành công.
Mặc dù chính đạo diễn Nhất Trung đã từng thu về 190 tỷ đồng từ "Cua lại vợ bầu" từ dịp Tết 2019 nhưng lại thất bại với "Đôi mắt âm dương". Không quá tệ nhưng "Đôi mắt âm dương" ra rạp đúng dịp Tết lại không có không khí gia đình vui vẻ như mong muốn nên khán giả cũng không mặn mà.
"Tiền nhiều để làm gì?" là câu chuyện về ba tên trùm buôn gỗ lậu khi bị thần chết gõ cửa, bộ ba tìm mọi cách chống lại số phận bằng đủ mọi cách kể cả phản bội, hãm hại lẫn nhau. Dù có sự góp mặt của không ít diễn viên hài có tiếng nhưng bộ phim bị khán giả đánh giá không khác gì một chuỗi tiểu phẩm hài chắp vá vụng về, kém duyên.
Kịch bản yếu, thiếu đầu tư kỹ lưỡng khiến phim khó có thể được coi là một tác phẩm điện ảnh chất lượng. Góp thêm vào danh sách những bộ phim thất bại phòng vé là một bộ phim hợp tác giữa điện ảnh Việt - Hàn theo thể loại phiêu lưu kỳ ảo có tên là "Bí mật đảo Linh xà". Bộ phim bị gán mác "thảm họa phim Tết" vì kỹ xảo ẩu, kỹ thuật lồng tiếng cẩu thả. Đặc biệt là kịch bản phim hời hợt, chắp vá, không có thông điệp gì ngoài những màn tán tỉnh nhạt nhẽo hay khoe thân phản cảm.
Sự thất bại của một số bộ phim vừa qua còn đến từ sự thiếu nét riêng. Phim nào cũng có một chút hài, một chút tình cảm, một chút võ thuật dẫn đến các phim đều na ná nhau và không có gì đặc sắc. Chính vì không có phim xuất sắc nổi trội nên doanh thu cũng phân bổ đều ở mức... thấp. Đã có những thời điểm, các phim hài luôn có được doanh thu khủng nhưng điều đáng tiếc là các phim hài dịp Tết vừa qua đều ra mắt trong lặng lẽ.
Mải ăn theo xu hướng, các đạo diễn lười tìm các gương mặt mới mà mời các danh hài quen thuộc vào phim với mong muốn có một sự bảo chứng cho sự thành công của phim. Trước đây, điều này đã tạo nên một số "ông vua phòng vé" như Thái Hòa, Hoài Linh và gần đây là Trấn Thành, Trường Giang. Tuy nhiên, năm nay, những bộ phim có sự góp mặt của những ngôi sao này vẫn thất bại như thường. Tiêu biểu cho dòng phim hài năm nay là "30 chưa phải là Tết" (đạo diễn Quang Huy) với sự có mặt của ngôi sao hài Trường Giang.
Dù được đánh giá là nhỉnh hơn so với các phim cùng thời điểm nhưng không thể tạo thành cơn sốt. Rõ ràng, những gương mặt nghệ sĩ dẫu "hot" trước đó nhưng vì xuất hiện liên tục nên lại thành những gương mặt quá an toàn. Vì thế, những bộ phim có ngôi sao mà vẫn thất bại cũng là điều dễ hiểu. Kịch bản yếu, các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không có nhiều đột phá mới mẻ trong diễn xuất thì cũng khó có thể đưa tác phẩm đến thành công.
Thế nên, dẫu không khí sôi động của điện ảnh có mang lại niềm vui trước mắt thì quan niệm "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" vẫn luôn đúng với nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.