Mái tóc học trò
Sự việc cô giáo cắt tóc học trò ngay trên lớp - cho dù sau đó cô trò đã xin lỗi nhau và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh, song đây vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm về ứng xử trong môi trường giáo dục.
Cụ thể, mới đây một cô giáo ở Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã dùng kéo cắt tóc của một nữ sinh ngay trên bục giảng. Đây không phải lần đầu tiên trong ngành giáo dục xảy ra chuyện này. Năm 2021, tại một trường THCS thuộc tỉnh Nam Định, một học sinh lớp 8, cũng bị cô giáo chủ nhiệm dùng kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em như "đầu gấu"…
Những vụ việc tương tự như trên, luôn gây nên những phản ứng trái chiều từ dư luận. Người đồng tình với cách xử lý quyết liệt của giáo viên; người cho rằng đó là những hành vi phản giáo dục trong môi trường giáo dục. Theo Thông tư số 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường THCS, THPT đã ghi rất rõ về hành vi, ứng xử, trang phục của học sinh nhưng không có nội dung nào cấm học sinh nhuộm tóc.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là như vậy, nhưng được biết, ở một số trường THCS, THPT có quy định bất thành văn là không cho phép học sinh nhuộm tóc. Dù không thể hiện bằng văn bản, nhưng học sinh phải tuân thủ chấp hành việc không được nhuộm tóc. Song cũng có những trường cho học sinh nhuộm tóc, thoa son khi đến trường. Đơn cử, như đầu năm học 2022-2023, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đã ban hành nội quy mới với 8 điều. Trong đó, điều 4 quy định cho phép học sinh thoa son (không đậm, lòe loẹt) và nhuộm tóc (không khác biệt, nổi bật) đến trường. Đại diện nhà trường cho biết, để đưa ra nội quy học sinh như trên, ngoài việc thống nhất giữa Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên, nhà trường cũng mời giáo viên chủ nhiệm, bí thư chi đoàn lớp, lớp phó học tập để cho các em góp ý.
Trên thực tế, những ai đã từng qua tuổi học trò đều hiểu đây là lứa tuổi mới lớn, vừa có những thay đổi tâm sinh lý để thể hiện bản thân; vừa có nhu cầu làm đẹp (kể cả nam và nữ), thể hiện rõ nhất thông qua trang phục và mái tóc. Điều quan trọng thầy cô giáo, cha mẹ cần định hướng để tuổi mới lớn có làm đẹp, nhưng cái đẹp cũng phải hài hòa với môi trường xung quanh, cụ thể ở đây là môi trường giáo dục luôn đề cao sự giản dị, hồn nhiên của lứa tuổi học trò. Mái tóc học trò sẽ đẹp khi nó phù hợp trong môi trường học đường.
Suy cho cùng, nếu chỉ đánh giá học sinh đó qua việc để kiểu tóc hay tô son thì đó mới chỉ là đánh giá hình thức, cảm tính. Trên hết, đối với học sinh thì đó là thái độ của em đó với việc học tập của bản thân, chấp hành nội quy nhà trường và kết quả học tập thế nào. Vì vậy, khuyến khích sự tự giác, tôn trọng học sinh, không áp đặt tất cả theo suy nghĩ của người lớn mà phủ nhận nguyện vọng, cái tôi của các em là điều mà các nhà trường, giáo viên cần lưu tâm để góp phần tạo nên một trường học hạnh phúc theo đúng nghĩa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mai-toc-hoc-tro-5713181.html