Mãi tự hào về mùa thu Cách mạng Tháng Tám

Thời gian đã lùi xa nhưng dấu ấn về những ngày, tháng hào hùng của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 vẫn không phai mờ, vang vọng mãi trong mỗi người dân Việt Nam.

Thành phố Hưng Yên hôm nay

Thành phố Hưng Yên hôm nay

Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”, muôn người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân, trong đó khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19/8 là một dấu mốc ngời sáng nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hòa cùng khí thế sục sôi của những ngày mùa thu cách mạng năm ấy, vào rạng sáng ngày 14/8/1945, do nắm bắt được chủ trương của cấp trên từ trước, đồng thời thấy thời cơ giành chính quyền đã đến, lực lượng Việt Minh huyện Phù Cừ đã tiến vào bao vây huyện đường, vừa nổ súng, vừa kêu gọi địch đầu hàng và nhanh chóng tiến vào huyện lỵ. Cuộc tấn công huyện đường Phù Cừ là trận mở đầu cho tổng khởi nghĩa của cả tỉnh. Trên đà thắng lợi, với khí thế cách mạng của Việt Minh và của quần chúng Nhân dân, các địa phương tiếp tục nổi dậy đánh chiếm huyện đường. Tại tỉnh lỵ Hưng Yên, ngày 18/8/1945, ta dùng nhân mối, lực lượng quần chúng bên ngoài và binh lính trong trại làm áp lực thuyết phục, buộc địch phải giao trại Bảo an binh cho ta. Được tin trại lính đã vào tay lực lượng cách mạng, Nhân dân treo băng, cờ, biểu ngữ lên khắp các khu phố… Ngày 22/8/1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền. Ngay sau khi chiếm dinh Tỉnh trưởng, ngày 23/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời Hưng Yên tổ chức mít tinh ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời.

Gần tám thập kỷ đã đi qua nhưng ký ức về mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là những câu chuyện sinh động, còn in đậm trong lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương cũng như trong tâm thức của những người từng trải. Nhắc về ký ức những ngày mùa thu lịch sử cách đây 79 năm, ông Quách Đắc Bôn, 94 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng ở thôn Long Cầu, xã Đoàn Đào (Phù Cừ) giọng rưng rưng, hồi tưởng: Trước cách mạng, đời sống người dân địa phương vô cùng cơ cực. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, cùng với thiên tai liên tiếp, chính sách kinh tế độc ác của chính quyền thực dân, phát xít đã gây ra thảm họa chết đói ở nhiều vùng quê. Nhắc lại vài dữ liệu đau xót đó để thấy rõ hơn, sâu sắc thêm giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những người đã từng sống qua chế độ thực dân, phong kiến xưa và nay được sống trong cảnh thanh bình, no ấm mới càng thấu hiểu sâu sắc giá trị to lớn, ý nghĩa thiêng liêng của độc lập dân tộc, của cuộc sống hòa bình, tự do. Và bởi thế càng thấy rõ hơn công ơn của Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, làm cho dân cày có ruộng, người người, nhà nhà có cơm no, áo ấm, con cháu được học hành tiến bộ. Cũng chính bởi vậy mà dù đã gần 80 năm đi qua kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đáng nhớ năm ấy, tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, người đảng viên lão thành luôn tâm niệm một điều thật giản dị là sống sao cho xứng với truyền thống quê hương, xứng với sự hy sinh, cống hiến của hàng vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông Quách Đắc Bôn ở thôn Long Cầu, xã Đoàn Đào (Phù Cừ) kể về không khí sục sôi của cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ông Quách Đắc Bôn ở thôn Long Cầu, xã Đoàn Đào (Phù Cừ) kể về không khí sục sôi của cách mạng Tháng Tám năm 1945

Không thể kể hết mọi cung bậc xúc cảm khi nhắc lại không khí hào hùng không thể nào quên của toàn dân tộc Việt Nam, của quê hương Hưng Yên văn hiến, giàu truyền thống cách mạng trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Chị Lê Thị Ngọc Hân, Bí thư Đoàn xã Tân Lập (Yên Mỹ) cho biết: Thế hệ trẻ trong xã hôm nay rất đỗi tự hào về truyền thống của quê hương bởi trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tại đình Thổ Cốc của xã diễn ra cuộc họp của Ban cán sự Đảng tỉnh để phát lệnh, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh. Nhắc lại về khí thế sục sôi, hào hùng của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền tháng Tám năm 1945 để thêm một lần hiểu sâu sắc hơn, để trân quý hơn giá trị cao đẹp, thiêng liêng của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do hiện tại. Sống trong không khí náo nức của những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi càng thấy vinh dự, tự hào, càng thấy tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hôm nay đây, được sống trong hào khí của những ngày mùa thu lịch sử, mỗi người dân lại bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào. Ôn lại những năm tháng lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thế hệ hôm nay càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc vận dụng và phát triển những bài học, kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Bền

Bài viết sử dụng tài liệu trong cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập 1 (1929 – 1954)

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/mai-tu-hao-ve-mua-thu-cach-mang-thang-tam-3174682.html