'Mai Vàng nhân ái' thăm nghệ sĩ múa Phùng Kim Dung
Sáng 3-12, chương trình Mai Vàng nhân ái của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nghệ sĩ múa Phùng Kim Dung.
Cùng đi với đoàn có ông Lê Nguyên Hiều – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM. Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đã trao tiền hỗ trợ 5 triệu đồng của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nghệ sĩ múa Phùng Kim Dung.
Nghệ sĩ múa Phùng Kim Dung (SN 1946) là hội viên của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM ngay từ ngày đầu thành lập. Bắt đầu vào nghề từ năm 15 tuổi, bà được sự dìu dắt của các thầy cô giỏi: Xuân Định, Trần Minh, Bích Nghĩa…
Sau đó, bà về công tác tại Đoàn ca múa Thăng Long, nổi tiếng với những tiết mục múa đơn: "Hoa Chăm pa", "Mâm pháo", "Hoan hỉ" (múa dân gian Triều Tiên) và "Múa đôi Tây Nguyên". Là diễn viên trẻ tài năng, bà được mời tham dự Liên hoan Hội sinh viên thế giới lần thứ 9 tổ chức tại Bulgary năm 1968.
"Lúc đó có nhiều diễn viên được tuyển chọn từ các đoàn như: Đoàn ca múa Hà Nội, Trường Múa Việt Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, đoàn Ca múa Miền Nam… Tôi được chọn trong chuyến đi ngoài việc được biểu diễn để chứng mình tài nghệ, tôi còn có cơ hội học hỏi, giao lưu với nhiều thế hệ nghệ sĩ múa trong nước và thế giới. Ký ức về chuyến đi đó không thể nào quên đối với tôi, bởi bạn bè thế giới chào đón nghệ sĩ Việt Nam rất nồng nhiệt. Họ hô to khẩu hiệu "Việt Nam – Hồ Chí Minh" và bế chúng tôi tung lên trong niềm phấn khởi" – nghệ sĩ Phùng Kim Dung nhớ lại.
Tiết mục múa "Bà mẹ miền Nam" có sự tham gia của bà từng đoạt HCV tại Liên hoan nghệ thuật Múa năm 1968. Sau này, bà còn đoạt nhiều giải thưởng với các tiết mục múa: "Ka tu", "Ong vò vẽ", "Chàm rong"… Nghệ sĩ múa Phùng Kim Dung đã từng lưu diễn tại Trung Quốc và được sang tập huấn tại Liên Xô.
Sau đó, bà được tuyển tham gia đoàn văn nghệ đi vào chiến trường, phục vụ lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong 559 do đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ huy. "Chiến tuyến ác liệt lắm, đạn pháo, bom Mỹ bay ngay trên đầu mà chúng tôi vẫn hát, vẫn múa, mang niềm vui và tinh thần chiến đấu đến với bộ đội" – bà tự hào kể.
Nghệ sĩ Phùng Kim Dung về hưu năm 1981, sau khi bà vào công tác tại miền Nam. Thời gian về hưu, bà vẫn tham gia giảng dạy tại các Nhà văn hóa quận 1, quận 5, quận 3…
Bà đã gầy dựng phong trào múa với việc cho ra đời một đội múa chuyên nghiệp tại Nhà văn hóa quận 3. Những năm gần đây, bà bị thoái hóa khớp nặng, dẫn đến viêm nhiễm trùng. Các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thay khớp gối cho bà.
"Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" tôi xúc động lắm! Cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động và Ngân hàng Nam Á!" – nghệ sĩ Phùng Kim Dung nói.