'Mai Vàng nhân ái' thăm nhạc sĩ Lê Duyên và NSƯT - ca sĩ Hoàng Vĩnh
Trưa 29-10, Chương trình Mai Vàng nhân ái do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nhạc sĩ lão thành Lê Duyên (87 tuổi) và NSƯT - ca sĩ Hoàng Vĩnh.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nhạc sĩ Lê Duyên và NSƯT Hoàng Vĩnh, 5 triệu đồng/người.
Nhạc sĩ Lê Duyên - Bệnh tim, tuổi già không con cháu
Nhạc sĩ Lê Duyên sinh năm 1933 tại huyện Châu Thành, TP Cần Thơ. Nhờ có giọng ca và hát rất đúng nhịp nên ngay từ nhỏ, ông tham gia ca đoàn nhà thờ ở địa phương và được giao hát chính. Mỗi ngày từ nhà đến nhà thờ, ngang qua một căn nhà ở xóm đạo, nơi đây có một nhạc sĩ thường chơi mandolin. Tiếng đàn réo rắt đó đã mê hoặc và thôi thúc ông học đàn mandolin, sau này cây đàn đã gắn liền với một phần đời tuổi trẻ của nhạc sĩ Lê Duyên.
Nhạc sĩ Lê Duyên năm nay 87 tuổi, ông đã sáng tác ca khúc "Duyên tình sơn nữ" từng được Nhà xuất bản Ly Tao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hành năm ông 18 tuổi. Bài này ca sĩ Tuyết Mai, Trúc Mai thu dĩa và sau đó được thu âm với sự thể hiện của ca sĩ Phi Nhung, NSƯT Ngọc Huyền và ca sĩ Hoàng Châu… Ông còn một số bài viết chung với danh hài Tùng Lâm và nhạc sĩ Hiếu Nghĩa như: "Dưới ánh trăng rừng", "Trăng quê"… mà nổi tiếng nhất là "Âm thầm".
"Đó là năm 15 tuổi (1948), tình yêu đối với cây đàn mandolin ngày càng lớn, tôi muốn học đàn nhưng gia đình lại muốn tôi học văn hóa. Gia đình còn quan niệm "xướng ca vô loài" nên kiên quyết không cho tôi theo, dù vậy tôi vẫn ráng dành tiền mua đàn để học và học văn hóa. Năm 20 tuổi (1953), tôi chính thức gia nhập Ban "Bốn Phương" và trình bày thường xuyên trên làn sóng đài phát thanh" - nhạc sĩ Lê Duyên kể.
Bản nhạc mà ông trình tấu trên đài và các sân khấu thời đó là: "Đàn chim xanh" của nhạc sĩ Đan Phú và "Từng chiều" của nhạc sĩ Lê Thọ Trung.
Ông hoạt động âm nhạc cùng thời với những người bạn như: Lam Phương, Phùng Trọng, Khánh Băng. Cả bốn đã thành lập ban nhạc Hương Sa và theo các đoàn ca kịch như: Đoàn kịch nói Kim Cương, Đoàn văn nghệ của ca sĩ Ngọc Cẩm và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết - cha mẹ của ca sĩ Hồng Hạnh - lưu diễn khắp nơi.
Nhiều năm qua, mắc căn bệnh tim mạch, khiến hoàn cảnh gia đình nhạc sĩ Lê Duyên càng thêm khó khăn. Ông sống với vợ, không có con. Trong con hẻm nhỏ có một hàng xóm tự nhận là học trò, sớm hôm chăm sóc ông bà.
Đón nhận món quà của chương trình, nhạc sĩ Lê Duyên xúc động: "Tôi quá bất ngờ nhận được tình cảm này của chương trình "Mai vàng nhân ái". Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, nhân rộng niềm yêu thương đối với giới văn nghệ sĩ của chúng tôi".
NSƯT, ca sĩ Hoàng Vĩnh - Gắn bó với màu áo lính
Đoàn đã về huyện Cần Giuộc - Long An, ghé thăm NSƯT - ca sĩ Hoàng Vĩnh. Ông sinh sống với một người em từ đầu năm 2020. Căn nhà có mảnh vườn ông trồng nhiều loại cây trái, hoa và rau. Ông còn nuôi 3 chú khỉ con và 1 chú chó nhỏ.
Sinh năm 1956 tại Sài Gòn; từ năm 1976, NSƯT Hoàng Vĩnh đã trở thành ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 và ông nghỉ hưu năm 2012. Dù về hưu, nhưng nhiều năm ông là Chi hội phó Chi hội Biểu diễn thanh nhạc - hợp xướng Hội Âm nhạc TP HCM, cho đến khi anh mắc phải căn bệnh ung thư vòm họng, chính thức nghỉ ngơi để điều trị bệnh.
Sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư vòm họng đã bước sang giai đoạn 3. Trước hoàn cảnh khó khăn của ông, Chi hội Biểu diễn Thanh nhạc - Hợp xướng Hội Âm nhạc TP HCM từng tổ chức chương trình "Vòng tay bè bạn", gây quỹ hỗ trợ ông chữa bệnh năm 2014.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề hát, ông được khán thính giả yêu mến qua các tiết mục tốp ca nam của đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Với giọng tenor trầm ấm, ca sĩ Hoàng Vĩnh đã được giới chuyên môn đánh giá cao và các nhạc sĩ khi gửi sáng tác mới cho ông và đều hài lòng.
Năm 1976, ông tham gia Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, chính thức mang trên mình chiếc áo xanh của lính. Ông đã cùng đoàn rong ruổi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở vùng biên giới, hải đảo.
Sau này, ông còn tham gia giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cơ sở II, đào tạo nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc truyền thống, cách mạng.
Trưởng thành trong môi trường quân đội, từng có mặt trên những chiến trường nóng bỏng của đất nước, ca sĩ Hoàng Vĩnh càng thấy mình có trách nhiệm tuyên truyền những ca khúc cách mạng đến rộng rãi quần chúng.
Năm 2005, ông thành lập nhóm hát "Áo lính", đông bạn trẻ là sinh viên, công nhân… đủ mọi thành phần đến tham gia học nhạc và sinh hoạt vì đam mê dòng nhạc cách mạng.
Đón nhận số tiền hỗ trợ, ca sĩ Hoàng Vĩnh bày tỏ tấm lòng trân quý đối với chuyến viếng thăm của chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á. "Tôi xúc động lắm, món quà này là nguồn động lực giúp tôi cố gắng vượt qua căn bệnh ung thư. Cảm ơn chương trình đầy ý nghĩa của báo Người Lao Động", ông nói.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Vĩnh được yêu thích qua các ca sĩ gắn liền với tên tuổi của ông như: "Hò kéo pháo", "Bước chân trên dải Trường Sơn ", "Đêm Trường Sơn nhớ Bác ", "Chào em cô gái Lam Hồng"…