''Make in Vietnam'' để tự lực, tự cường, trở thành nước phát triển
Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn ra sáng nay, 23-12.
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự sự kiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng diễn đàn. Trong thư, Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nói riêng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và đến nay, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã có bước phát triển, trở thành một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
"Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số", Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn.
Trong phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình Make in Vietnam (làm chủ, sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam).
Theo Bộ trưởng, năm 2020, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%, nâng tổng số lên hơn 58.000 doanh nghiệp và là con số kỷ lục. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã phát triển các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Đáng chú ý, các đơn vị đã làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, điện thoại 5G. Vì vậy, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được sớm hơn, vào năm 2025.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chúc mừng các doanh nghiệp tham gia và được vinh danh giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" 2020; đồng thời chúc mừng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn, chính thức định danh cộng đồng doanh nghiệp số.
Trao giải Nhất cho sản phẩm Hệ sinh thái giáo dục thông minh Vn Edu 4.0 của Trung tâm VNPT Edu (thuộc Tập đoàn VNPT).
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn đất nước phát triển nhanh hơn thì một trong những cách là phát triển công nghệ thông tin. Công nghệ chưa cần hoàn toàn của Việt Nam nhưng mô hình và giải pháp thì phải của riêng Việt Nam. Chúng ta không tham vọng làm chủ toàn bộ công nghệ nhưng chúng ta phải có giải pháp của mình. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, mà phải lan tỏa ra toàn xã hội.
Về sự hỗ trợ từ Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ đóng vai trò là khách hàng lớn nhất, ra đầu bài và làm chỗ dựa để doanh nghiệp mở giải pháp, mở dữ liệu, mở sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau...
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố và trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" cho 5 hạng mục. Có 50 sản phẩm vào tốp 10 ở mỗi hạng mục. 14 sản phẩm được vinh danh đều là các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện chất xám, trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới.