Malaysia áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Tengku Abdul Aziz khẳng định việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt là chính sách quan trọng để thích ứng với các cú sốc bên ngoài để hỗ trợ hoạt động kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Tengku Abdul Aziz khẳng định việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt là một chính sách quan trọng trong việc thích ứng với các cú sốc bên ngoài để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước, bất chấp điều kiện thị trường tài chính và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bất ổn định.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong tuyên bố đưa ra ngày 21/9, Bộ trưởng Tengku cho biết Chính phủ Malaysia thông qua Ngân hàng Trung ương (Bank Negara Malaysia - BNM) sẽ đảm bảo các điều kiện thị trường tài chính ổn định và thông suốt, đồng thời thực hiện các biện pháp chủ động nhằm cung cấp đầy đủ thanh khoản và mang lại sự linh hoạt cho thị trường, sự ổn định của đồng nội tệ.
Bên cạnh đó, BNM liên tục giám sát để đảm bảo điều kiện thị trường ngoại hối có trật tự và tránh những biến động đáng kể đối với tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, chính phủ sẽ tiếp tục quản lý các rủi ro nảy sinh ở trong và ngoài nước.
Ông Tengku phân tích so với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và 1998, nền kinh tế đang ổn định và phát triển. Do đó, Chính phủ Malaysia, thông qua BNM, không cố định tỷ giá đồng ringgit với đồng USD vào lúc này vì có thể mang lại rủi ro rất lớn.
Ông nêu rõ: “Nếu đồng ringgit được giữ nguyên tỷ giá với đồng USD, Malaysia sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc thiết lập chính sách tiền tệ và người dân phải chịu chi phí tài chính cao mặc dù tình hình kinh tế của đất nước không giống như ở Mỹ.
Đồng thời, việc cố định tỷ giá luôn được bổ sung các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn khả năng rút vốn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Malaysia”.
Theo ông Tengku, mặc dù đồng ringgit đã giảm giá 8,7% so với đồng USD kể từ đầu năm 2022, song các đồng tiền khác cũng đã và đang giảm với tốc độ lớn hơn, trong đó có đồng yên Nhật Bản, đồng bảng Anh, đồng euro. Ông cho rằng đồng USD mạnh lên là yếu tố chính ảnh hưởng đến chuyển động ngoại hối toàn cầu và khu vực.
Liên quan kinh tế Malaysia, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) của nước này cho biết kim ngạch xuất khẩu của Malaysia trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng kỷ lục, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng ở mức hai con số.
Theo bộ trên, tổng giá trị thương mại của Malaysia trong 8 tháng đầu năm 2022 đã tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.870 tỷ RM (409,5 tỷ USD), trong đó xuất khẩu tăng 30,3%, đạt 1.010 tỷ RM (221,15 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 36,7% lên 858,83 tỷ RM (188,05 tỷ USD). Thặng dư thương mại đạt 155,57 tỷ RM (34,06 tỷ USD), tăng 3,7%.
Riêng tháng 8 vừa qua, tổng giá trị thương mại của Malaysia đạt 265,74 tỷ RM (58,3 tỷ USD) - tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2021 và là tháng thứ 19 liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số. Trong đó, xuất khẩu tăng 48,2%, đạt 141,33 tỷ RM (31,01 tỷ USD) và là tháng thứ 13 liên tiếp có mức tăng trưởng 2 con số. Nhập khẩu của Malaysia trong tháng 8 cũng tăng 67,6% lên 124,41 tỷ RM (27,29 tỷ USD).
Cũng theo MITI, tổng giá trị xuất khẩu của Malaysia tăng xuất phát từ sự gia tăng xuất khẩu sản phẩm điện và điện tử (E&E), dầu mỏ, dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp làm từ dầu cọ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cùng các sản phẩm làm từ dầu mỏ và LNG, thiết bị khoa học và quang học.
ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ đạo đối với hàng hóa của Malaysia, trong đó giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 8 tăng cao nhất (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt 16,98 tỷ RM (3,72 tỷ USD)./.