Malaysia bất ngờ tăng lãi suất lên 3%

Chiều 3/5, trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng trung ương Malaysia thông báo tăng lãi suất chính sách qua đêm (OPR) thêm 25 điểm cơ bản lên 3%.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Malaysia. Ảnh: Reuters

Trụ sở Ngân hàng trung ương Malaysia. Ảnh: Reuters

Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 của ngân hàng trung ương này kể từ tháng 1/2022.

Biên độ OPR sàn-trần cũng được nâng lên lần lượt là 2,75% - 3,25%. Trước cuộc họp, nhiều nhà quan sát dự đoán Ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% sau ba lần không tăng lãi suất trước đó.

Theo Ngân hàng trung ương, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước ổn định, với các điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu áp lực do chi phí và lãi suất tăng cao hơn.

Trong một tuyên bố, Ngân hàng trung ương cho biết lạm phát cơ bản vẫn ở trên mức trung bình trong lịch sử. Đối với hầu hết các ngân hàng trung ương, lập trường chính sách tiền tệ có thể sẽ vẫn thắt chặt.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng vẫn chịu rủi ro suy giảm, chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị leo thang, tỷ lệ lạm phát cao hơn dự đoán và điều kiện thị trường tài chính bị thắt chặt, bao gồm cả sự gia tăng căng thẳng hơn trong lĩnh vực ngân hàng.

Đối với nền kinh tế Malaysia, những bước tiến mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế sẽ mở rộng hơn nữa trong quý đầu tiên của năm 2023 sau đà tăng trưởng tốt trong năm 2022. Mặc dù xuất khẩu dự kiến sẽ ở mức vừa phải, nhưng tăng trưởng trong năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước.

Chi tiêu hộ gia đình vẫn ổn định, vốn được củng cố bởi thị trường lao động tốt hơn, khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống mức như trước đại dịch. Điều kiện tài chính trong nước cũng vẫn thuận lợi cho hoạt động tài chính trung gian, chưa có dấu hiệu thắt chặt quá mức ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và đầu tư.

Đề cập đến những rủi ro, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ Malaysia cho rằng, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng trong nước tương đối cân bằng. Rủi ro do tăng giá chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố trong nước như hoạt động du lịch mạnh hơn dự kiến và việc triển khai các dự án, bao gồm cả những dự án trong Ngân sách 2023.

Trong khi đó, rủi ro giảm giá bắt nguồn từ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu biến động hơn. Cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong suốt năm 2023, trung bình từ 2,8% -3,8%. Các biện pháp kiểm soát giá và trợ cấp nhiên liệu hiện tại sẽ tiếp tục hạn chế phần nào mức độ gia tăng áp lực đối với lạm phát.

Với triển vọng tăng trưởng trong nước ổn định, Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) đánh giá, đã đến lúc bình thường hóa hơn nữa mức độ điều tiết tiền tệ. MPC đã rút lại gói kích thích tiền tệ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19 trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trước đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Malaysia, MPC cũng nhận thấy sự cần thiết phải đảm bảo lập trường chính sách tiền tệ là phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ mất cân bằng tài chính trong tương lai.

Ở cấp độ hiện tại, lập trường chính sách tiền tệ là nới lỏng một chút và vẫn hỗ trợ nền kinh tế. MPC sẽ tiếp tục đảm bảo rằng lập trường chính sách tiền tệ vẫn nhất quán với triển vọng lạm phát và tăng trưởng trong nước.

Trong năm 2022, Ngân hàng trung ương Malaysia đã tăng lãi suất 4 lần, thêm tổng cộng 1 điểm phần trăm, từ mức 1,75% lên 2,75%./.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/malaysia-bat-ngo-tang-lai-suat-len-3/289913.html