Malaysia cấm xuất khẩu cát biển, gây khó cho Singapore
Malaysia vừa quyết định cấm xuất khẩu cát biển, một động thái có thể gây khó khăn cho tham vọng lấn biển, mở đất của đảo quốc Sư tử Singapore.
Hãng tin Reuters ngày 3-7 dẫn các nguồn tin tin cậy từ chính phủ Malaysia cho biết Thủ tướng Mahathir Mohamad, người lên nắm quyền với chiến thắng gây sốc trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đã quyết định cấm xuất khẩu cát biển từ ngày 3-10-2018.
Một số nguồn tin cho biết quyết định cấm xuất khẩu cát biển ban ra từ năm ngoái nhưng không thông báo công khai vì lo ngại các ảnh hưởng ngoại giao với Singapore. Tuy nhiên, hôm 4-7, Bộ trưởng Tài nguyên Tự nhiên, Đất đai và Nước Malaysia, Xavier Jayakumar, bác bỏ thông tin cho rằng ông Mahathir Mohamad lo lắng vì cát biển của Malaysia được sử dụng để giúp Singapore mở đất. Ông nói Malaysia cấm xuất khẩu cát sang tất cả các nước, chứ không riêng gì Singapore.
Ông Endie Shazlie Akbar, thư ký báo chí của Thủ tướng Mahathir Mohamad, xác nhận chính phủ Malaysia đã dừng xuất khẩu cát biển từ năm ngoái. Tuy nhiên, ông phủ nhận động thái này là nhằm ngăn chặn kế hoạch lấn biển, mở đất của Singapore. Ông giải thích quyết định cấm xuất khẩu cát nhằm trấn áp các hoạt động buôn lậu cát sang Singapore.
Thiếu nguồn cát nhập khẩu từ Malaysia, Singapore sẽ gặp khó khăn trong các kế hoạch dùng cát lấp biển để mở rộng đất bao gồm dự án phát triển cảng Tuas trở thành cảng container lớn nhất thế giới. Cảng Tuas sẽ được mở cửa từng phần cho đến 2040.
Dự án cảng Tuas bao gồm bốn giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu tiên, dự kiến hoàn thành vào năm 2021 với chi phí khoảng 1,8 tỉ đô la, sẽ sử dụng 88 triệu m3 vật liệu để lấp một khu vực biển rộng tương đương 383 sân bóng đá.
Kể từ khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, diện tích nước này đã mở rộng 25%, chủ yếu nhờ sử dụng cát để lấp biển, mở đất. Năm 2018, diện tích của Singapore được mở rộng thêm 2,7 km2, mức mở rộng diện tích hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ.
Singapore và Malaysia từng là thuộc địa của Anh rồi sau đó trở thành những nước riêng biệt vào năm 1965. Quan hệ giữa hai nước thường căng thẳng vì các tranh chấp lãnh thổ và các nguồn tài nguyên chung, chẳng hạn như nước ngọt.
Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND), cơ quan giám sát hoạt động nhập khẩu cát, cho biết Singapore mua cát từ nhiều nước và đang cắt giảm sử dụng loại hàng hóa đặc thù này.
MND khẳng định các nhà cung cấp cát cho Singapore phải tuân thủ các quy định và pháp luật tại nước của họ, có nghĩa là họ phải khai thác cát từ các khu vực đã được cấp phép, tuân thủ đầy đủ luật bảo vệ môi trường, có các giấy phép xuất khẩu của cơ quan chức năng.
MND lưu ý rằng gần đây, bộ này đã thử nghiệm phát triển một khu vực đất lấn biển với lượng cát sử dụng ít hơn so với trước đây. Singapore chủ yếu sử dụng cát biển cho các hoạt động lấn biến, mở đất, trong khi đó, cát sông được sử dụng như là thành phần quan trọng của các vật liệu xây dựng.
Hai thương nhân nhập khẩu cát ở Singapore giấu tên cho biết cát đang trở nên khan hiếm, buộc Singapore phải mua cát từ những nước xa xôi như Ấn Độ, khiến chi phí gia tăng.
Singapore nhập khẩu 59 triệu tấn cát từ Malaysia trong năm 2018 với chi phí 347 triệu đô la Mỹ, theo dữ liệu của Liên hợp quốc. Con số này chiếm 97% tổng giá trị cát nhập khẩu của Singapore và 95% giá trị xuất khẩu cát của Malaysia.
Khi Indonesia cấm xuất khẩu cát sang Singapore vào năm 2007 với lý do bảo vệ môi trường, quyết định này gây nên cuộc khủng hoảng cát ở đảo quốc Sư tử, khiến các hoạt động xây dựng gần như dừng lại hoàn toàn. Kể từ đó, Singapore tăng cường mua cát dự trữ.
Các hoạt động nạo vét cát vô tội vạ ở các sông ngòi gây rối loạn cho các dòng chảy trầm tích và các ngư trường, hủy hoại các phương kế mưu sinh và gây ô nhiễm các nguồn nước ở một số cộng đồng nghèo nhất ở châu Á. Tuy nhiên, Singapore chỉ trích Indonesia sử dụng lệnh cấm xuất khẩu cát để gây sức ép với Singapore trong các cuộc đàm phán về một hiệp định dẫn độ và phân chia đường biên giới.
Theo Reuters
Lê Linh