Malaysia cân nhắc áp đặt hạn chế dịch bệnh do lo ngại Covid-19
Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa cho biết nước này đang nghiêm túc xem xét sự lo ngại của người dân về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay và giới chức có thể áp đặt các hạn chế dịch bệnh nếu cần thiết.
"Các hạn chế sẽ được thực hiện nếu cần thiết, không chỉ đối với du khách người Malaysia, người nhập cảnh đến từ Trung Quốc mà còn từ các quốc gia khác", bà Zaliha Mustafa cho biết trong một tuyên bố ngày 2/1. "Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 trong nước cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ sự gia tăng các ca mắc".
"Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với WHO, Trung Quốc và các đồng nghiệp của chúng tôi từ ASEAN. Dựa trên các báo cáo, WHO đã có cuộc họp với Trung Quốc về việc chia sẻ dữ liệu mới nhất và sẽ tiếp tục thu thập các thông tin chi tiết về tình hình và cách ứng phó Covid-19 tại nước này", bà cho biết.
Quan chức y tế này nói thêm rằng, dựa trên báo cáo của Trung Quốc gửi WHO, các biến thể Covid-19 được tìm thấy ở Trung Quốc cũng được phát hiện ở Malaysia.
Trong khi đó, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, cho biết 2 biến thể phụ Omicron BA.5.2 và BF.7 đang lây lan nhanh ở Trung Quốc - chiếm gần 80% các chủng được tìm thấy ở nước này.
Theo đó, cơ quan y tế Malaysia đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt các mẫu nước thải lấy từ các địa điểm nhập cảnh quốc tế. Kết quả cho thấy, 96,5% - 28 trong số 29 mẫu cho thấy có sự hiện diện của biến thể Omicron.
Trong cùng thời gian, Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia Malaysia cũng đã xét nghiệm 301 mẫu nước thải từ 15 địa điểm đại diện cho mỗi bang. Kết quả giải trình mã gen thu được là 288 mẫu (95,7%) cho thấy sự hiện diện của virus Covid-19 ban đầu và biến thể Omicron.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Y tế Zaliha Mustafa cho biết Malaysia sẽ sớm nhận được thêm nguồn vaccine Covid-19 thể lưỡng trị (bivalent) và khuyến cáo người dân – đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao – cần tiêm vaccine nhắc lại. Hiện tại, khoảng 49,8% người dân quốc gia Đông Nam Á này tiêm liều nhắc lại đầu tiên, trong khi chỉ 1,9% đã tiêm liều nhắc lại thứ hai.