Malaysia dẫn dắt thị trường IPO Đông Nam Á
Trong các tháng đầu năm 2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD. Trong khi số lượng IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong 9 năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.
Kỳ vọng tăng tốc trong năm 2025
Phần lớn nguyên nhân của sự sụt giảm trong hoạt động IPO của khu vực so với năm trước là do không có các thương vụ IPO bom tấn. Trong năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO huy động được hơn 500 triệu USD, trái ngược với bốn thương vụ tương tự vào năm 2023. Xét về các ngành hàng, tiêu dùng và năng lượng & tài nguyên là hai ngành thống trị, chiếm 52% tổng số thương vụ IPO và 64% tổng số vốn IPO huy động được.
Theo bà Tay Hwee Ling, lãnh đạo Dịch vụ đảm bảo kế toán và Báo cáo, Deloitte Đông Nam Á, thị trường IPO của Đông Nam Á đã gặp phải những thách thức lớn trong năm 2024, bao gồm biến động tiền tệ, sự khác biệt về quy định giữa các thị trường và căng thẳng địa chính trị. Đây đồng thời cũng là các yếu tố tác động đến thương mại và đầu tư. Việc các nền kinh tế ASEAN ghi nhận lãi suất cao tiếp tục hạn chế khoản vay của doanh nghiệp, làm chậm hoạt động IPO khi các công ty chọn trì hoãn việc niêm yết.
Thêm vào đó, sự biến động của thị trường giữa các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, trong khi các yêu cầu pháp lý khác nhau ở các nước Đông Nam Á làm phức tạp hóa mong muốn được niêm yết xuyên biên giới của các công ty. Các công ty quyết định niêm yết ở nước ngoài phải xem xét các thị trường đại diện cho phân khúc tăng trưởng cốt lõi của doanh nghiệp, nơi các nhà đầu tư có thể hiểu và đánh giá tốt hơn mô hình kinh doanh của họ, đồng thời nơi các công ty tương tự đã được niêm yết. Họ cũng nên xem xét thị trường nào có chuyên môn phân tích theo lĩnh vực cụ thể để thu hút các nhà đầu tư phù hợp.
Nhìn về tương lai của thị trường IPO trong khu vực, bà Hwee Ling cho biết: “Việc dự kiến cắt giảm lãi suất cùng với việc giảm lạm phát có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ IPO trong những năm tới. Nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Đông Nam Á trong các lĩnh vực như bất động sản, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào khu vực, năm 2025 đã sẵn sàng trở thành một năm bùng nổ các thương vụ IPO mới trên khắp Đông Nam Á”.
Điểm nhấn thị trường Malaysia
Bất chấp những thách thức của thị trường vốn trên toàn thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và những thay đổi đáng kể về mặt chính trị, Malaysia vẫn nổi lên như một điểm sáng ở Đông Nam Á. Quốc gia này dẫn đầu khu vực trong cả ba chỉ số chính: số thương vụ IPO, tổng số tiền IPO huy động được và vốn hóa thị trường IPO.
Đây là một năm đặc biệt đối với thị trường IPO của Malaysia. Tính đến nay (15/11/2024), thị trường này đã chứng kiến 46 thương vụ IPO - vượt qua con số 32 của cả năm 2023, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2006. Tổng số tiền huy động được thông qua IPO đã chạm mức 1,5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, trong khi vốn hóa thị trường đạt 6,6 tỷ USD, gấp đôi so với năm trước và đạt đỉnh kể từ năm 2013.
"Thị trường IPO của Malaysia đã cho thấy hiệu suất mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế tích cực, tình hình chính trị ổn định và sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã thổi một luồng gió mới vào Bursa Malaysia, nơi đã chứng kiến tỷ lệ đăng ký quá mức tích cực hơn 200 lần”, ông Wong Kar Choon, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ đảm bảo, Deloitte Malaysia, cho biết. Khi Malaysia bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn sau một vài năm bất ổn, nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi từ động lực mạnh mẽ này. Với sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thương vụ IPO từ cả công ty và nhà đầu tư, cùng với mức định giá ấn tượng hiện có ở Malaysia, Bursa Malaysia có tiềm năng rất lớn để trở thành một điểm đến niêm yết hấp dẫn cho các công ty trong khu vực.
Tại Thái Lan, mặc dù số thương vụ IPO giảm so với năm trước (chỉ có 29 thương vụ trong năm 2024), tổng số tiền huy động được đạt 756 triệu USD, chiếm 26% tổng số tiền của khu vực, đưa Thái Lan trở thành một trong ba thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á. Trong khi những thách thức vẫn tồn tại, thị trường vốn Thái Lan được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và phục hồi. Hiện có nhiều cơ hội tại thị trường Thái Lan với một loạt các thương vụ IPO sắp tới trong các lĩnh vực tiêu dùng, khoa học đời sống & chăm sóc sức khỏe, quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT).
Tại Việt Nam, chỉ có một thương vụ IPO trong 10,5 tháng đầu năm 2024, huy động được khoảng 37 triệu USD. Đáng chú ý, thương vụ IPO duy nhất này cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính, và đã vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023. Theo ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ đảm bảo, Deloitte Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian tốt để nắm bắt các cơ hội, được hỗ trợ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp.
“Tôi tin rằng đây cũng là cảm nhận chung của các nhà đầu tư hiện hữu, cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào năm 2025”, ông Bùi Văn Trịnh cho biết.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/malaysia-dan-dat-thi-truong-ipo-dong-nam-a-158045.html