Tổng thống đắc cử Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump không chỉ đánh dấu thay đổi trong cục diện chính trị Mỹ mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về một trật tự thế giới mới trong bối cảnh hậu toàn cầu hóa.

Ông Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chính sách trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, từ các cuộc chiến thương mại đến chiến lược "Nước Mỹ trên hết" và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy những thay đổi sâu sắc, khơi dậy xu hướng ưu tiên lợi ích quốc gia, đẩy mạnh sản xuất nội địa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, chính sách của ông Trump được cho là sẽ tiếp tục tái định hình cấu trúc kinh tế toàn cầu. Bà Karen Harris - Giám đốc điều hành Bain & Co - đã nhấn mạnh rằng thế giới đang chứng kiến sự tái thiết lập vai trò trung tâm của nhà nước với các mối quan hệ quốc tế chuyển dịch từ đa phương sang song phương và giao dịch dựa trên lợi ích thực tế. Những thay đổi này phản ánh xu hướng tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và hợp tác toàn cầu, nhưng con đường phía trước không hề dễ dàng.

Dù thương mại toàn cầu vẫn tăng trưởng ngay cả khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, các chính sách thương mại mà ông Trump đề xuất, bao gồm thuế quan cơ bản từ 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc có thể tạo ra những xáo trộn lớn. Nếu được thực hiện, những biện pháp này không chỉ đẩy cao căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại mà còn gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống thương mại quốc tế vốn đã chịu nhiều thách thức.

Trong trật tự thế giới mới, Trung Quốc và châu Âu là hai khu vực đối mặt với những thách thức lớn nhất. Với mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu và thị trường quốc tế, Trung Quốc dễ bị tổn thương trước chính sách bảo hộ của Mỹ. Việc buộc phải chuyển trọng tâm sang tiêu dùng nội địa sẽ đòi hỏi những thay đổi cơ bản mà Trung Quốc đã né tránh trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, châu Âu cũng phải đối mặt với bài toán duy trì quan hệ với Mỹ trong khi tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Việc cân bằng giữa hai cường quốc kinh tế lớn sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt trong một môi trường địa chính trị đầy bất ổn.

Các quốc gia đang phát triển vốn dựa vào các thị trường mở và nguồn tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng, cũng sẽ gặp khó khăn đáng kể. Chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ có thể làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và vốn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đối với các nền kinh tế đang gánh nặng nợ cao và phụ thuộc vào các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức đa phương, viễn cảnh này càng làm gia tăng áp lực.

Trật tự 'hậu toàn cầu hóa' dường như đang hướng đến một thế giới đa cực, nơi các quốc gia cần phải tính toán cẩn thận khi lựa chọn đối tác thương mại và liên minh địa chính trị. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump làm nổi bật cách tiếp cận giao dịch trực tiếp, ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn hơn là các giá trị và cam kết dài hạn. Điều này không chỉ làm xáo trộn quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống mà còn đặt ra những thách thức đối với các thể chế đa phương.

Sự trở lại của ông Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, mở ra những cơ hội mới nhưng cũng làm gia tăng đáng kể các rủi ro. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phân mảnh, các quốc gia sẽ cần thích nghi với mô hình hợp tác linh hoạt hơn, đồng thời chuẩn bị đối phó với những biến động kinh tế và địa chính trị là không thể tránh khỏi. Trật tự hậu toàn cầu hóa không chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp mà còn là phép thử cho khả năng lãnh đạo và sự linh hoạt của từng quốc gia trong việc ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội để định hình tương lai.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo smh.com.au)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-dac-cu-trump-se-thay-doi-the-gioi-nhu-the-nao-20241125105613841.htm