Malaysia đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại vào Việt Nam
Lũy kế đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD với 664 dự án, xếp thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Việt Nam-Malaysia còn nhiều dư địa đẩy mạnh hợp tác thương mại ở nhiều lĩnh vực như máy móc thiết bị; thực phẩm, đồ uống; sản phẩm chăm sóc cá nhân...
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Chương trình xúc tiến thương mại Malaysia-Việt Nam do Phòng Thương vụ Malaysia tại Việt Nam (Matrade) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/11.
Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, Malaysia và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong khi các quốc gia đang cố gắng nhanh chóng ngăn chặn đại dịch, tác động của các biện pháp này đã khiến nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh thu của doanh nghiệp giảm sút đáng kể.
Trong bối cảnh đó, các công ty phải chấp nhận và thích ứng với các kế hoạch kinh doanh mới và chuyển đổi sang các kênh mới để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với đối tác thông qua nền tảng kỹ thuật số, các chương trình giao lưu thương mại trực tuyến là giải pháp hiệu quả để hai bên rút ngắn khoảng cách và giữ được quan hệ hợp tác thường xuyên.
Theo bà Wong Chia Chiann, nền kinh tế Việt Nam được các doanh nghiệp nhà xuất khẩu Malaysia đánh giá cao trong khu vực nhờ tăng trưởng tích cực vào năm 2020 với GDP tăng 2,91%.
Với nền tảng kinh tế tiếp tục vững mạnh, những cải cách kinh tế trong thời kỳ đại dịch và dân số đông khoảng100 triệu người, Việt Nam là thị trường cạnh tranh năng động.
Tới hiện tại, Việt Nam đã cơ bản vượt qua đợt đại dịch lần thứ tư và đang trong quá trình khôi phục kinh tế, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Malaysia tiếp cận và hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam nhằm đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của cả hai nước.
Ông Raphy MD Radzi, Ủy viên thương mại Matrade tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu quan trọng của Chương trình xúc tiến thương mại Malaysia-Việt Nam năm nay là liên kết các nhà xuất khẩu của Malaysia với các doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức hợp tác kinh doanh chiến lược, qua đó để thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Đây cũng là một phần trong các sáng kiến của Matrade nhằm hỗ trợ cam kết của cả hai chính phủ trong việc cùng nhau đạt được 18 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2025.
Theo ông Raphy MD Radzi, Malaysia xác định máy móc và linh kiện; mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân; thực phẩm và đồ uống là các ngành ưu tiên tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại vào Việt Nam năm nay dựa trên tín hiệu tích cực về nhu cầu thị trường ngày càng tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trong thời gian tổ chức chương trình xúc tiến thương mại vào Việt Nam (từ ngày 23-25/11), 17 doanh nghiệp Malaysia sẽ giới thiệu hàng loạt nền tảng giải pháp thông minh và máy móc tự động hóa, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tổng thể từ đầu đến chân; các loại bữa ăn, đồ uống chế biến sẵn.
Ngoài việc cung cấp nền tảng cho các công ty Malaysia mở rộng thương hiệu của họ tại Việt Nam, chương trình xúc tiến thương mại này còn được hy vọng sẽ mở ra cơ hội cho các công ty Việt Nam tìm hiểu quan hệ đối tác trong bối cảnh môi trường kinh doanh bất ổn do đại dịch COVID-19.
Ngoài chương trình giới thiệu sản phẩm, chia sẻ về cập nhật thị trường kinh doanh tại Việt Nam, các phiên họp kinh doanh trực tuyến cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt với khoảng 150 cuộc tiếp xúc đã được sắp xếp trước với 50 công ty Việt Nam.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) thông tin, sau 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia ngày càng gắn kết và phát triển mạnh mẽ, sâu rộng nhiều các lĩnh vực; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đạt kết quả tích cực khi Malaysia luôn nằm trong nhóm các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.
Lũy kế đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD với 664 dự án, xếp thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về thương mại, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, 10 tháng năm 2021 xuất nhập khẩu song phương Việt Nam-Malaysia vẫn đạt hơn 10,16 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 3,51 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu, hóa chất... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Malaysia đạt 6,65 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm nhập khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng...
Theo ông Trần Phú Lữ, Việt Nam-Malaysia vừa thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025 với các định hướng lớn nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.
Việt Nam-Malaysia cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hợp tác trong việc giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của nhau, nhằm nâng cao giá trị trao đổi thương mại song phương trong thời gian tới.
Ở góc độ địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với thị trường Malaysia. Với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."
Song song đó thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản phẩm/dịch vụ; gắn kết sản xuất với nhà phân phối, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
ITPC cũng mong muốn tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp nhận, cập nhận thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam-Malaysia. Từ đó có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, đồng thời tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại nước bạn, góp phần củng cố mối quan hệ giao thương truyền thống, tin cậy giữa hai quốc gia./.