Malaysia đề nghị phạt Grab 20 triệu USD vì lạm dụng vị thế thị trường
Cơ quan quản lý Malaysia đề xuất phạt Grab 20,5 triệu USD vì áp dụng các quy định mang tính lạm dụng vị thế chi phối thị trường, vi phạm luật cạnh tranh nước này.
Trong cuộc họp báo hôm 3/10, Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) cho rằng Grab đã lợi dụng vị thế thống trị của họ trong thị trường với việc không cho tài xế quảng cáo cho các đối thủ cạnh tranh của ứng dụng gọi xe này, theo Reuters.
"MyCC còn nhận thấy rằng những quy định nghiêm ngặt đã bóp méo sự cạnh tranh trong thị trường liên quan vốn có sự tham gia của nhiều bên, bằng cách tạo ra rào cản đối với việc gia nhập và mở rộng (thị trường) đối với các đối thủ cạnh tranh hiện tại và tương lai của Grab", Chủ tịch Ủy ban Iskandar Ismail nói trong họp báo tại Kuala Lumpur.
MyCC cũng áp lệnh phạt 15.000 ringgit/ngày tính từ ngày 3/10 cho đến chừng nào Grab "không có các hành động khắc phục như chỉ thị của ủy ban để giải quyết các quan ngại về sự cạnh tranh".
Phản hồi vụ việc, đại diện Grab nói họ ngạc nhiên với quyết định vì cho rằng đó là "cách làm thông thường với các doanh nghiệp trong việc quyết định bên thứ ba xuất hiện hay có loại hình quảng cáo nào trên từng nền tảng của mình, tùy theo nhu cầu và phản hồi của khách hàng".
Grab cho rằng họ tuân thủ luật về cạnh tranh 2010 của nước này và cho biết sẽ phản hồi bằng văn bản trước ngày 27/11.
Ông Iskandar cho biết Grab có 30 ngày làm việc để phản hồi với ủy ban trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra.
Năm ngoái, MyCC cho biết sẽ giám sát Grab vì các hành vi phi cạnh tranh khả nghi sau khi Grab mua lại mảng kinh doanh của đối thủ Uber ở Đông Nam Á vào tháng 3/2018.
Malaysia sẽ là nước thứ ba tại khu vực phạt Grab sau thương vụ với Uber. Năm 2018, cả hai công ty đều bị cơ quan chức năng ở Singapore và Philippines phạt vì vụ mua lại.
Tuy nhiên, ông Iskandar nói rằng việc điều tra của nhà chức trách Malaysia dựa trên các khiếu nại chống lại Grab, không phải dựa trên việc doanh nghiệp này gần như độc quyền thị trường sau thương vụ Uber.
Theo luật Malaysia, việc độc quyền hay thống trị thị trường không phải là hành vi phạm luật, trừ khi doanh nghiệp lợi dụng vị trí của mình trong thị trường.