Malaysia, Indonesia tăng tốc đối phó với thuế quan của Tổng thống Trump
Trước những động thái đầy bất ngờ gần đây trong chương trình thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia đã gấp rút thực hiện các động thái để thích nghi với cục diện mới.

Dãy hàng tại siêu thị ở Indonesia. Ảnh: Đỗ Quyên/PV TTXVN tại Indonesia
Theo đó, vào ngày 7/7, nhà lãnh đạo Mỹ công bố mức thuế quan mới đối với 14 đối tác, được áp dụng kể từ ngày 1/8. Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia chịu mức thuế 25%; Nam Phi và Bosnia & Herzegovina chịu mức 30%, Indonesia chịu mức 32%, Bangladesh và Serbia chịu mức 35%, Campuchia và Thái Lan chịu mức 36%, Lào và Myanmar chịu mức 40%.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 1/8 là mốc thời hạn mới để áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ, thay vì ngày 9/7, tuy nhiên Washington có thể gia hạn nếu như các đối tác có đề xuất phù hợp.
Theo Bloomberg (Mỹ), là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, Indonesia đã lên kế hoạch mua thêm lúa mì từ Mỹ, trong bối cảnh nước này tìm cách đảm bảo thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn áp mức thuế mới.
Ngày 7/7, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất Bột mì Indonesia (Aptindo) - ông Franciscus Welirang - cho biết Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc mua lúa mì của Mỹ bắt đầu từ năm 2025 đến năm 2030.
Ông Welirang tiết lộ rằng thỏa thuận này có giá trị khoảng 1,25 tỷ USD. Theo MOU, Indonesia có thể nhập khẩu 800.000 tấn lúa mì từ Mỹ vào năm 2025, tăng từ mức 740.000 tấn của năm 2024 và tối thiểu một triệu tấn mỗi năm từ 2026.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã xuất khẩu hơn một triệu tấn lúa mì cho Indonesia vào năm 2020. Mặc dù cam kết mới đánh dấu gia tăng trong nhập khẩu lúa mì của Indonesia từ Mỹ, nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ đối với nhu cầu của Indonesia. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng nhập khẩu của Indonesia là 12 triệu tấn trong mùa vụ 2025 đến 2026.
Theo ông Pujo Setio, quan chức Bộ Điều phối kinh tế Indonesia, nước này cũng có kế hoạch ký các cam kết tương tự nhằm gia tăng nhập khẩu các mặt hàng khác từ Mỹ, bao gồm ngô và đậu nành.
Trong khi đó tại Malaysia, chuyên gia kinh tế trưởng Mohd Afzanizam Abdul Rashid thuộc Ngân hàng Muamalat Malaysia Berhad cho biết chính phủ Malaysia đã tiến hành đầy đủ các bước đánh giá và xây dựng kịch bản để chuẩn bị cho việc Mỹ công bố chính sách thuế quan.
Ông phát biểu ngày 7/7: “Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Do đó, họ cần có cách tiếp cận thực tế để ứng phó với vấn đề này”. Ông Mohd Afzanizam bổ sung rằng chính phủ cũng đang xem xét mọi cơ hội có thể xuất hiện từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Tờ The Star (Malaysia) đưa tin, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp nước này đã đăng thông báo khẳng định duy trì chính sách đối ngoại và kinh tế độc lập. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi tham gia vào các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững, trên cơ sở lợi ích quốc gia, thay vì tương đồng về tư tưởng. Mỹ vẫn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Malaysia, không chỉ thông qua thương mại mà còn bởi các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD đã được triển khai tại Malaysia trong hơn 50 năm qua".