EU chuẩn bị gói trừng phạt cứng rắn nhất với Nga kể từ năm 2022
Liên minh châu Âu (EU) sắp tung ra gói trừng phạt 'cứng rắn' nhất với Nga kể từ năm 2022, nhắm vào doanh thu dầu mỏ, lĩnh vực tài chính và các mắt xích trung gian giúp Nga lách các biện pháp trước đó.
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp LCI ngày 7/7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết, các biện pháp mới được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Pháp và phối hợp cùng các thượng nghị sĩ Mỹ, nhằm siết chặt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, các tổ chức tài chính liên quan và cả những trung gian ở nước ngoài giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Ông Barrot cũng nhấn mạnh mục tiêu chính là làm suy yếu khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ảnh minh họa: Reuters
Giới quan sát cho rằng các gói biện pháp trừng phạt hiện tại vẫn chưa đủ để ngăn chặn Nga tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. Việc Nga duy trì nguồn thu từ dầu mỏ và lách đòn trừng phạt thông qua các trung gian quốc tế đang làm suy yếu hiệu quả của các gói trừng phạt trước đó, buộc EU phải hành động quyết liệt hơn.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin trước đó khẳng định các lệnh cấm vận của phương Tây, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng, “hầu như không ảnh hưởng đáng kể”, đồng thời dẫn chứng GDP Nga năm 2023 tăng 4,3% trong khi khu vực đồng euro chỉ đạt mức 0,8 - 0,9%.
Kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU đã triển khai 17 gói trừng phạt nhằm vào Nga, với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt nhắm mạnh vào lĩnh vực dầu khí và tài chính. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá hiệu quả của các gói trừng phạt này còn hạn chế do các chính sách kinh tế thích nghi của Nga và dòng chảy năng lượng Nga đổi hướng từ Tây sang Đông, để lại nhiều tác động tiêu cực đến EU hơn.